Hạt giống tâm hồn

Đợi chờ yêu thương trên cây Thánh giá - Đợi xóa sân si dưới bóng Bồ đề
MrCosVn's Blog
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng

TÂM TÌNH CÙNG MẸ



       Ngày mai, 15 tháng 8, Giáo hội Công giáo hoàn vũ trọng thể mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cách riêng, Giáo hội Công giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội La Vang lần thứ 30 tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. Đây là dịp để con cái Mẹ khắp nơi, chung một lòng hướng về Mẹ La Vang, ước mong được về bên Mẹ để cùng sống với Mẹ những tâm tình của người con thảo và để phó thác cuộc sống trong tay Mẹ.
       Nguyện xin Mẹ La Vang gìn giữ nước Việt Nam và ban muôn ơn lành xuống cho mỗi gia đình chúng con, để chúng con cùng chung hưởng cuộc sống bình an, hạnh phúc. Và sau khi trải qua cuộc đời tạm này, được Mẹ đưa tất cả chúng con lên Nước Trời hạnh phúc đời đời.

Trái tim yêu thương




        Phụng vụ Giáo hội Công giáo dành riêng tháng 6 hằng năm cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta cùng suy niệm, hiệp ý dâng lên Trái tim Chúa Giêsu lời cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và cho quê hương Việt Nam.
      Trái tim, một công trình tạo dựng tuyệt diệu, rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Trái tim là nguồn cung cấp máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu, mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, theo các nhà nghiên cứu, nó có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Đúng thật, quả tim có sức mạnh phi thường.

Tháng hoa dâng Mẹ



       Là người Công giáo tại Việt Nam, có lẽ không một ai lại không biết đến tháng Năm - Tháng Hoa dâng Mẹ.
Khi bước vào tháng Năm, con cái Mẹ từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm, và chuẩn bị những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với lời ca, giai điệu nhịp nhàng:
      “Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa....”
        Với tôi, cứ đến tháng Năm là tôi lại hồi tưởng tới thời còn học sinh cùng với bạn bè rủ nhau đi hái hoa về dâng lên cho Đức Mẹ Maria. Thủa nhỏ, chúng tôi làm công việc này chỉ mang một tâm trạng được vinh dự làm con cái Đức Mẹ và đây là dịp bày tỏ tình con thảo đối với Mẹ hiền: Dâng lên Mẹ lời kinh tiếng hát và những bông hoa tươi thắm trong tháng Năm là Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Mãi tới khi trưởng thành và qua tìm hiểu tôi mới được biết thêm ý nghĩa của tháng Năm là tháng dành cho việc cầu nguyện – cầu nguyện với Đức Mẹ.

Suy niệm



     Hôm nay bước vào những ngày Tam nhật Vượt qua, tưởng niệm lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô và sự phục sinh vinh hiển của Người. Tôi muốn một mình thinh lặng để suy niệm về cái chết của một người, mà cái chết ấy đã trở nên hồng phúc cho nhân loại.
     Ðăm chiêu nhìn lên cây thập tự mà tôi gọi là “Thánh giá”, và để hồn mình chìm trong thinh lặng, chìm vào những suy tư đang làm tôi thao thức. Chúa chết thảm thương quá. Chết một cách tức tưởi. Chết nhục nhã trần truồng không có lấy một tấm vải che thân. Nếu lắng đọng tâm hồn nhìn lên thánh giá sao mà không thấy xót thương cho người đang bị treo trên đó. Xác thân tan nát vết roi đòn, mặt mũi loang lổ vì máu và nước. Ðầu bị bao quanh bởi mão gai nhọc sắc xuyên thấu vào sọ. Tay chân bị ghim chặt vào những thanh gỗ bằng những chiếc đinh oan nghiệt. Nhưng vượt lên trên một cái chết tầm thường, đó là cái chết vì Chúa yêu thương con người. 

Người chết vì yêu...!!!



     Tình yêu là gì? Trong khuôn khổ bài viết này tôi không có tham vọng đi tìm cho Tình yêu một định nghĩa hay phân tích, lý giải về Tình yêu, nhưng chỉ là sự cảm nhận về Tình yêu mà tôi đã cảm nhận được từ cuộc sống này.

Có thể nói rằng, điều làm cho chúng ta mất thời giờ nhiều nhất? Điều gì làm cho chúng ta quan tâm nhất? Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc nhất và cũng có thể đau khổ nhất? Đó chính là Tình yêu. Công chưa thành, danh chưa toại người ta có thể tiếp tục phấn đấu vươn lên, nhưng sống mà không có ai để thương, để nhớ, để “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ. Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai” thì đó là cuộc đời đang chết dần chết mòn theo năm tháng.

Tình yêu và chiếc Lá




    Với tôi, sáng sáng đến quán vỉa hè ngồi nhâm nhi một tách café đen cùng với mấy người bạn đã thành nếp, bởi thực ra giá café ở đây cũng rẻ, vì quán ven đường, ghế nhựa cũ, không tiếp viên, váy ngắn chân dài…. Sáng hôm qua, ngồi cùng với mấy người bạn, nào là chuyện về sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 của Malaysia, rồi chuyện công việc, một người bạn nói sang chuyện Ngày quốc tế Hạnh phúc năm 2014 sẽ được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 20/3 với chủ “Yêu thương và Chia sẻ”. Bất giác tôi lại nghĩ sang câu chuyện gia đình của một người bạn vừa mới ly hôn mấy ngày trước, lý do được đưa ra là không còn tình yêu dành cho nhau nữa, vợ chồng không còn hạnh phúc…
      Đúng vậy, Tình yêu và Hạnh phúc luôn song hành cùng nhau. Có tình yêu mới có hạnh phúc. Càng hạnh phúc tình yêu càng dạt dào.

Lễ Tro và nhìn về thân phận con người



    Giáo hội Công giáo bước vào Mùa Chay bằng Thứ Tư lễ Tro, với ý nghĩa Mùa Chay giúp chúng ta thực hành tinh thần thống hối, điều chỉnh lại hướng đi của mình và biết quay trở về với Chúa.
Ngày Thứ Tư lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ sách Sáng thế : “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. Lời Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người là “bụi tro”. Hay trong lễ an táng, chúng ta thường hát bài thánh vịnh đáp ca 102 nói lên sự mong manh của kiếp con người, đời sống con người giống như loài hoa sớm nở chiều tàn:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
                                      (Tv 102, 15-16)
      Còn nhà thơ Nguyễn Khuyến, nhìn cuộc đời chóng qua của kiếp người cũng phải kêu lên bằng những hình ảnh sống động:
Ôi ! nhân sinh là thế ấy !
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao !

LÒNG BAO DUNG



ĐTC Phanxico nô đùa với một em bé
    Tin Mừng Thánh Mat-thêu (5, 38-48) tường thuật Chúa Giêsu dạy rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Mười điều suy ngẫm



1. Cầu nguyện không phải là "bánh xe dự phòng" để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là "tay lái" để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên đất nầy.
2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU?  Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới.
       3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH.  Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết.
       4. Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài.
       5. Bạn cũ là Vàng! Bạn mới là Kim Cương! Nếu ta có Kim Cương, đừng quên Vàng! Vì muốn giữ được Kim Cương, ta luôn cần Vàng để bọc Kim Cương!
       6. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, THƯỢNG ĐẾ ở trên cao cười và nói: "Hãy thư giản, con yêu của ta, đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng”.

Cuối năm ngồi tính sổ đời



Những ngày cuối năm thường là dịp để người ta quyết toán sổ sách chi thu, nhìn lại một năm qua và đưa ra phương sách cho năm tới. Như nhà kinh doanh tính sổ cuối năm, tôi cũng ngồi tính sổ đời tôi để khỏi thua lỗ trước mặt Chúa và anh chị em mình. Tôi sống như thế nào với Chúa? Tương quan của tôi đối với anh chị em xung quanh? Tôi đã thu hái được gì trong năm qua? Tiến hay lùi về mặt tri thức cũng như đạo đức? Tôi đã dùng thời giờ, ân sủng, tài năng, tiền bạc, vật chất mà Chúa tặng ban như thế nào? Sinh lợi hay là không?
Dừng lại một vài giây phút để kiểm điểm đời mình trong năm qua, quả thực, số vốn mà tôi lãnh nhận rất lớn, nhưng lắm khi lại sử dụng không đúng và chưa phát huy được vốn lẫn lời và thậm chí còn đem chôn giấu những nén bạc mà Ông Chủ trao ban. Trầm lắng mà suy xét thì đời mình sống vô ơn và bất xứng nhiều quá…
Sự đời là thế, chẳng ai mà không biết, nếu chỉ để viết ra thì vài cái Tết cũng chẳng hết. Điều quan trọng là tôi đã lãnh nhận và trao ban như thế nào? Tôi có thực sự muốn mình là người thợ tín trung của Ông Chủ? Nhìn lại một năm là điều cần thiết nếu tôi muốn khởi sự một năm mới tốt đẹp.

Mẹ Têrêsa Calcutta



Mẹ Teresa Calcutta


        Mẹ Teresa Calcutta (1910 - 1997) tại Skopje, Macedonia, Yugoslavia (Nam Tư); Mẹ có tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Ðủ 18 tuổi, Mẹ Têrêsa gia nhập Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto ở Ái Nhỉ Lan (Ireland). Năm 1946, sau khi đã chứng kiến những nạn nhân khốn khổ đầy thương tích và chết chóc, các trẻ em bơ vơ trên đường phố, kết quả của những biến cố nổi loạn giữa Hồi Giáo và Ấn Giáo, ngày 10/9/1946, trên một chuyến xe lửa đi về Darjeeling để điều trị bệnh lao mới phát, Têrêsa nhận ra được tiếng mời gọi của Chúa thúc dục Mẹ phục vụ cho những người nghèo đói khốn khổ. Mẹ Têresa kể lại:
     "Tôi bắt đầu nhận ra tiếng gọi của Chúa kêu mời tôi săn sóc cho những người bệnh tật và nghèo đói, những kẻ rách rưới và lang thang - thúc dục tôi ban phát tình yêu của Chúa cho các người khốn khổ và bơ vơ. Sự kiện nầy đã mở cửa cho bước đầu phục vụ Bác Ái của đời tôi."

Mùa Vọng - Mùa trông đợi Chúa Giáng Sinh


          Có truyện ngụ ngôn về ba con quỷ được Satan cử xuống học việc ở trần gian. Trước khi chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỷ về những kế hoạch cám dỗ loài người.
          Con quỉ thứ nhất nói:
          - Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.
          Con quỉ thứ hai nói:
          - Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục.
          Satan trả lời :
- Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân.
          Con quỉ thứ ba nói :
          - Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì.
          Satan đáp :
          - Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó.
          Đúng vậy, ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn lắm thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời của một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hoãn vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không.
Theo truyền thống của Giáo Hội Công giáo, bước vào tháng 12 (dương lịch) hàng năm là bước vào Mùa Vọng; theo tiếng La tinh là “Adventus, có nghĩa là “mùa trông đợi, mong chờ. Mùa vọng có ý nghĩa là: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô  "đã đến" lần thứ nhất; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta; Mùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới”.

Tháng 11 - Mùa tưởng nhớ và tri ân



    "Vì tưởng nhớ, cầu nguyện cho những người đã an nghỉ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc đạo đức và thánh thiện" (2Mcb 12,53-45)

    Người Á Đông chúng ta nói chung và người Việt Nam nói riêng, rất coi trọng chữ hiếu. Nhiều nước còn đưa chữ hiếu lên thành đạo (Đạo Hiếu) để nói về lòng biết ơn, nhớ về cội nguồn: “Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”. Vì thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên là bổn phận phải làm đối với thế hệ hậu sinh.
    Người Tây phương, họ không nâng lên thành đạo, những họ không dừng lại ở chữ hiếu, mà còn dành riêng ra hai ngày để nói lên lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, đó là ngày của Mẹ - mother’s day (tháng năm) và ngày của cha - father’s day (tháng sáu).
       Đối với Đạo Phật, người ta dành ngày rằm tháng 07 âm lịch là Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha.

Suy nghĩ từ câu chuyện của Socrates


“Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người.” (Cl 4, 6).

“Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật… Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4, 12).
“Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.” (Cn 15,1).
          ..............

Nhà đại hiền triết Socrates (khoảng năm 469 – 399 TCN) sinh ra tại thành phố Athena, Hy Lạp, là một trong những người tạo nên nền tảng triết học Phương Tây. Ông là nhà tư tưởng nằm giữa giai đoạn bóng tối và giai đoạn ánh sáng của nền triết học Hy Lạp cổ đại. Socrates còn được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: “Hãy tự biết lấy chính mình”, “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”. Ông bị chính quyền khi đó kết tội làm bại hoại tư tưởng của thanh niên do không thừa nhận hệ thống các vị thần cũ được thành Athena thừa nhận và bảo hộ và truyền bá các vị thần mới. Vì thế ông bị tuyên phạt tự tử bằng thuốc độc, mặc dù vậy ông vẫn có thể thoát khỏi án tử hình này nếu như ông công nhận những cáo trạng và sai lầm của mình, hoặc là rời bỏ Athena. Nhưng với quan điểm "Thà rằng chịu lỗi, hơn là lại gây ra tội lỗi.", ông kiên quyết ở lại, đối diện với cái chết 1 cách hiên ngang. Theo ông sự thật còn quan trọng hơn với cả sự sống.

Giá trị của những người mẹ


      Tục ngữ Do Thái có câu: “Thiên Chúa không thể ở mọi nơi, nên Ngài đã tạo dựng những người mẹ” (God could not be everywhere, so He made mothers). Đây là tình cảm lâu dài và tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhờ đảo ngược câu nói mà chúng ta đến gần chân lý hơn: “Thiên Chúa có thể ở mọi nơi và chúng tỏ điều đó bằng cách tạo dựng những người mẹ” (God could be everywhere and proved it by creating mothers). Hình ảnh này phù hợp với nhận xét của tiểu thuyết gia Hoa Kỳ William Makepeace Thackeray, trong cuốn Vanity Fair (Hội chợ Phù phiếm): “Mẹ là danh xưng đối với Thiên Chúa trên những đôi môi và trong những trái tim của những người con bé bỏng”.
      Người mẹ không thể thay thế Thiên Chúa, nhưng hành động như người trung gian chuyển lòng nhân từ của Thiên Chúa sang những người khác. Dĩ nhiên, người ta có thể phản bác rằng người cha cũng làm điều này. Điều này đủ mức thật. Nhưng có điều gì đó trong đặc quyền về cách thức mà người mẹ bộc lộ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Theo cách mầu nhiệm nào đó, điều đó như thể người mẹ có được vậy, một kinh nghiệm đối diện của Thiên Chúa. Điều này có thể đáng hoan nghênh hơn nếu chúng ta hiểu vai trò của Đức Mẹ là nguyên mẫu tâm linh của mọi người mẹ.

Khoảng lặng trong tâm hồn



    "Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa" ( TV 46,11).

     Đã khá lâu rồi, tôi được đọc một câu chuyện rất thú vị, chuyện kể rằng:
     Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông.
     Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
      Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.
     Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: "Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành". Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: "Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?".
     Cậu bé đáp: "Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó".

Tản mạn



       Người đời chúng ta thường quan niệm theo giáo lý Phật giáo rằng, cuộc đời con người thường phải đi qua bốn giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Có sinh thì có diệt, không có cái gì vĩnh viễn trên đời này. Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, rơi rụng vào mùa đông, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.
       Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường... Ðời người cùng vậy - là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ, lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới làm ra được...  Chính vì vậy, người xưa đã đặt một dấu hỏi: ”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử (người ta xưa nay ai mà không chết) hay như người Phương tây có cấu: Life is too short (cuộc đời quá ngắn). Biết bao đế quốc hùng mạnh, biết bao vĩ nhân lừng danh, biết bao anh hùng cái thế đã qua đi, có chăng chỉ còn lại trong sử sách. Đó là căn nguyên của lẽ vô thường.

Đánh đổi...



      Trong một lần ngồi trò chuyện với một Thầy tu, từ những câu chuyện bức xúc của ngành y, giáo dục, đến vụ “lương khủng” của các “Sếp” ở các công ty công ích của Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh…. rồi đến chuyện tu hành của nhà đạo….
     Tôi nói rằng: Chúa Giêsu cũng phải đánh đổi khi đổ máu hồng trên Thập giá vì tình yêu thương vô hạn dành cho loài người.
      Vị sư thầy ngạc nhiên: Đánh đổi ư? ….. có vẻ trần tục quá không?
      Vâng! Cũng có thể, nhưng dù đời hay đạo, có gì mà không phải đánh đổi đâu! Những vị tu hành sống trọn cuộc đời trong giới luật để tu hành, tức là đã đánh đổi thú vui phạm tục để tìm thấy hạnh phúc trong tâm hồn, trong tâm linh; còn những kẻ đắm say trong thú vui nhục dục trần gian là đánh đổi thời gian, tiền bạc, sức khỏe và có khi cả nhân phẩm, danh dự…. (như mấy vị “Sếp” ở các công ty công ích ở TP HCM)…. Bởi luật công bình ở đời, luật nhân quả, làm sao lấy đi cái này mà không phải đem cái khác trả lại.

NƯỚC MẮT....



    Tôi đã được nghe kể câu chuyện của người Hồi giáo rằng:
    Một hôm Thánh Ala sai một sứ thần xuống trần gian xem có cái gì đẹp nhất và nhặt một ít cái đẹp mang về trời. Sứ thần tuân lệnh, xuống ngay một bãi chiến trường và thấy bao anh hùng đã đổ máu ra vì Tổ quốc. Sứ thần hứng ngay một ít máu đưa về cho Thánh Ala.
    Thánh Ala xem và bảo: “Máu đổ ra cho Tổ quốc là điều đáng quý nhưng không phải là điều đẹp nhất trần gian”.
      Rồi Ngài lại sai sứ thần xuống trần gian lần thứ hai. Lần này sứ thần mang về cho Thánh Ala một sự biết ơn nhau ở trần gian. Trên đường về, sứ thần nghĩ lần này chắc là đúng ý của Thánh Ala rồi. Nhưng khi nhận Sự Biết Ơn từ tay của sứ thần, thánh Ala lại nói:
     “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp hiếm có trên trần gian, nhưng ta nghĩ ở dưới trần gian chắc còn có những điều tốt đẹp hơn nữa”.

Chút suy tư.....



    Có một câu chuyện kể rằng:
    Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ di chúc để lại, bà kể tên tất cả mọi người thân thuộc xa gần sẽ được hưởng gia tài của bà để lại. Tuyệt nhiên, bà không hề đả động đến cô con gái duy nhất của bà luôn trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô con gái là một cây thánh giá được bọc thạch cao.
     Cô con gái nhận lấy món quà nhưng lòng đầy cay đắng và buồn phiền. Cô nghĩ: Mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì. Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy những giọt nước mắt cay đắng, cô đã kéo cây thập giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ toang và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ bọc thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh……
      Qua câu chuyện này, chúng ta có thể ngẫm ra rằng, có những món quà giá trị được trao tặng cho nhau. Những món quà lan tỏa sự ấm áp đến cho người nhận. Sự ấm áp ấy không phải xuất phát từ chất liệu tạo nên đồ vật ấy mà xuất phát từ chính trái tim của người trao tặng. Bà mẹ đã cho cô gái một thứ còn giá trị hơn vàng, đó là tình yêu của người mẹ. Tình yêu của mẹ có thể được tìm thấy và cất giữ ở những nơi đặc biệt. Nhưng không, cô gái đã không nhận ra điều đó, vì lòng ích kỷ, cô chỉ nghĩa đến gia sản, tiền bạc chứ không nghĩ đến tình yêu thương của người mẹ dành cho cô.