Ông Nguyễn Thanh Chấn đoàn tụ cùng gia đình.
|
Chuyện xưa kể rằng, học
trò của Khổng Tử là viên cai ngục tên là Tử Cao, khi còn đương chức đã từng xử
chặt chân một người phạm tội. Khi thầy trò Khổng Tử bị vua nước Vệ đuổi bắt,
thầy trò phải chạy trốn, thì rất may, được chính người bị xử chặt chân năm xưa
cứu giúp và dẫn đi trốn. Cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp, Tử Cao hỏi: “Tôi không thể làm trái pháp luật của Vua
nên chặt chân ông, nay sao ông còn giúp tôi đi trốn?”. Người kia đáp: “Tôi bị chặt chân, vì tội của tôi đáng bị
như thế. Nhưng khi ngài xét đến việc của tôi, ngài đã xem xét pháp luật dưới
mọi khía cạnh. Tôi biết như vậy. Đến khi án đã quyết, tội đã định, ngài buồn bã
không vui, điều đó đã lộ rõ ra ngoài nét mặt. Đó là vì lòng nhân từ mà thiên
tính phú cho ngài. Tôi mang ơn của ngài là vì thế”.
Kể chuyện xưa để nhắc đến
câu chuyện mà trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao về một vụ án oan sai 10
năm của một người nông dân chất phác, không chỉ gây xúc động lòng người mà còn
rộ lên những tiếng nói căm giận dành cho những người “cầm cân, nảy mực” nhân danh thực thi pháp luật. Sau hơn 10 năm bị
giam giữ để thi hành án tù chung thân về tội giết người, Ông Nguyễn Thanh Chấn
(52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tạm
đình chỉ thi hành án, khởi đầu cho việc minh oan sau khi nghi phạm gây án ra
đầu thú và bị bắt gữ.