Hạt giống tâm hồn

Đợi chờ yêu thương trên cây Thánh giá - Đợi xóa sân si dưới bóng Bồ đề
MrCosVn's Blog

Cuộc sống thật đơn giản




    1. Một người đi tìm việc làm, đi trên hành lang thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng.
   Vị phụ trách tuyển người vô tình nhìn thấy, thế là anh được nhận vào làm việc.

    Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập tành thói quen tốt là được.

    2. Có một cậu bé tập việc trong tiệm sửa xe, một người khách đem đến chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa xe, lại lau chùi xe đẹp như mới, bạn bè cười nhạo cậu đã làm một việc thừa.
     Hai ngày sau, khách đến lấy xe đạp, liền đón cậu về làm việc trong hãng của ông ta.

     Hóa ra để thành công cũng đơn giản, hãy chứng tỏ mình thích làm nhiều hơn điều phải làm.

     3. Một đứa bé nói với mẹ: “Mẹ, hôm nay mẹ rất đẹp.”
      Bà mẹ hỏi : “Tại sao ?”
      Bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ không nổi giận.”

      Hóa ra sắc đẹp trong mắt người khác cũng đơn giản, chỉ cần không nổi giận là được.

      4. Có ông chủ bắt con trai làm việc vất vả ngoài đồng.
      Bạn bè nói với ông ta: “Ông không cần phải bắt con trai khó nhọc như thế, giống cây này tự nhiên cũng phát triển.”
      Ông chủ nói: “ Tôi dạy dỗ con cái chứ đâu phải tôi chăm cây công nghiệp.”

     Hóa ra răn dạy con cái rất đơn giản, để chúng nó chịu khổ chút xíu là có thể được.
 
      5. Một huấn luyện viên quần vợt nói với học sinh: “Làm thế nào tìm được quả bóng rơi vào đám cỏ?”
      Một người nói: “Bắt đầu tìm từ trung tâm đám cỏ.”
      Người khác nói: “Bắt đầu tìm từ nơi chỗ trũng nhất.”
      Kẻ khác lại nói : “Bắt đầu tìm từ điểm cao nhất.”
      Đáp án huấn luyện viên đưa ra là: “Làm từng bước, từ đám cỏ đầu này đến đầu kia.”

      Hóa ra phương pháp để tìm thành công thật đơn giản, từ số 1 đến số 10 không nhảy vọt là có thể được.
                                         
      6. Có một cửa hàng đèn thường sáng trưng, có người hỏi: “Tiệm của anh dùng loại đèn nào vậy, dùng rất bền.”
       Chủ cửa hàng nói: “Đèn bị hư hoài đấy chứ, nhưng tôi thay ngay khi nó bị hư thôi.”

       Hóa ra để duy trì ánh sáng thật đơn giản, chỉ cần dám thay đổi thôi.

       7. Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường: “Anh ở đây quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tôi mà ở.”
       Con nhái ở bên đường trả lời: “Tôi quen rồi, dọn nhà làm chi cho vất vả.”
       Mấy ngày sau nhái ở bên ruộng đi thăm nhái bên đường, nó đã bị xe cán chết, xác nằm bẹp dí.

       Hóa ra phương pháp an toàn thật đơn giản, tránh xa lười biếng thì có thể được.

       8. Có một con gà nhỏ khi phá vỏ trứng để chui ra, thấy con rùa đi ngang gánh chiếc mu nặng nề.
      Con gà nhỏ quyết định rời bỏ cái vỏ trứng.

       Hóa ra muốn thoát ly gánh nặng thật đơn giản, dẹp bỏ cố chấp thành kiến là có thể được.
                           
       9. Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, thượng đế cho chúng mỗi đứa một chân đèn, và dặn lau chùi chúng cho thật bóng sáng.  Một hai ngày trôi qua thượng đế không đến, tất cả các bé đều bỏ cuộc. Chỉ có một em bé vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng dù cho thượng đế không đến, dù mọi người chê nó dại, kết quả chỉ có em được trở thành thiên thần.

      Hóa ra làm thiên thần thật đơn giản, chỉ cần đem tấm lòng thật thà ra làm là được.

      10. Một thanh niên đến xin làm môn đệ một vị thần. Bỗng có con trâu nghé chui lên từ vũng lầy, toàn thân lấm đầy bùn dơ bẩn. Vị thần nói : “Con tắm rửa cho nó dùm ta.” Cậu kinh ngạc : “Con đi học chứ đâu đi chăn trâu ?” Vị thần nói : “Con không chăm chỉ vâng lời, thì làm môn đệ của ta thế nào được.”

       Hóa ra biến thành thần thật đơn giản, chỉ cần đem lòng thành thật ra thì có thể được.”
 
      11. Có một đoàn người đãi vàng đi trong sa mạc, ai nấy bước đi nặng nhọc, chỉ có một người bước đi cách vui vẻ, người khác hỏi: “Làm sao anh có thể vui vẻ được chứ ?” Người ấy trả lời: “Bởi vì tôi mang đồ rất ít.”

      Hóa ra vui vẻ thật đơn giản, thiếu chút ít thì có thể được.

     12. Màu sắc của cuộc sống ở đâu ?
     Buổi sáng thức dậy, màu sắc ánh sáng trên mặt, đón tiếp tương lai bằng vẻ mặt tươi cười rạng rỡ.
     Đến buổi trưa, màu sắc ánh sáng trên eo lưng, thẳng lưng để sống hiện tại.
     Đến buổi tối, ánh sáng màu sắc trên chân, chân đạp đất làm tốt chính mình.

    Hóa ra cuộc sống cũng rất đơn giản, chỉ cần có thể hiểu được “trân quý, biết đủ, cám ơn”, thì anh có đầy đủ màu sắc của cuộc sống.

    Chúc Bạn luôn nhìn mọi sự thật giản đơn.

Thiên Đàng ở đâu?




  Chuột túi hỏi Đấng tạo hóa:
  - “Xét cho cùng thì thiên đàng ở đâu?”
  - “Ở đây”.
  - “Ở đâu?”- Chuột túi nhìn chung quanh bốn phía, không hiểu nên hỏi lại: “Sao con nhìn không thấy?”
  Đấng tạo hóa dịu giọng trả lời:
  - “Bé con, nếu như trong lòng con có thiên đàng, thì không có chỗ nào là không thiên đàng. Nếu như trong lòng con không có thiên đàng, thì dù cho con có đặt mình trong thiên đàng thật, thì nhìn mà như không thấy vậy!”
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
      Có một tên cướp nổi tiếng là hung dữ, hắn không tin có Chúa, không tin có thiên đàng và hoả ngục, một ngày nọ, hắn mang theo thanh kiếm sắc nhọn của mình vào nhà xứ hỏi cha sở:
      - Thưa ngài, thiên đàng ở đâu và hoả ngục ở đâu?
      Vị linh mục già không nói gì cả, tiến đến tên cướp và đưa tay tát mạnh vào mặt hắn.
       Hắn tức giận nói: “Tại sao ngài đánh tôi?”, và rút gươm ra khỏi vỏ.
       Vị Linh mục điềm tĩnh và ôn tồn nói: “Hoả ngục ở trong ông đấy”.
        Ngài nói tiếp: “Khi ông tức giận thì đó chính là hoả ngục, và khi ông hiền hoà vui vẻ, thì đó là thiên đàng”.
 Thiên Chúa đã mang Thiên đàng đến tặng cho chúng ta bằng chính con của Người là Đức Kitô, và Đức Kitô đã mở của thiên đàng bằng chìa khoá thập tự, chìa khoá được chế tạo bằng tình yêu. Ngài ra hiến chương của thiên đàng bằng Bát Phúc (tám mối phúc thật), những cái phước chỉ dành ưu tiên cho những người khốn cùng, nghèo khổ. Luật pháp của Ngài chí có 4 chữ “Mến Chúa - Yêu Người”.
Khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, Đức Kitô sẽ đến phỏng vấn chúng ta, Ngài không hỏi anh làm nghề gì, làm Giám mục hay linh mục, tu sĩ…. Ngài cũng không hỏi một ngày đến nhà thờ đọc bao nhiêu kinh, dâng cúng bao nhiêu tiền vào nhà thờ, ăn chay bao nhiêu lần….. Mà Ngài chỉ hỏi chúng ta: khi tôi đói bạn có cho ăn, tôi khát bạn có cho uống, tôi rách rưới bạn có cho áo mặc, tôi bị cầm tù bạn có đến viếng thăm, tôi ốm đau bạn có ai ủi..… 
      Có nhà thần học nói rằng: “Trời mới và đất mới” không phải là Thiên Chúa sẽ dựng thêm một thế giới khác sau khi tận thế, mà chính là Ngài làm cho thế giới này mới hơn.
       Mới hơn, tức là thế giới này không có hận thù, không có ghen ghét, không có oán giận, tóm lại là không có hoả ngục.
       Mới hơn, tức là thế giới này trở thành thiên đàng, là nơi mà mọi người biết yêu thương nhau và tha thứ cho nhau. Muốn được như vậy, thì ngay bây giờ, mỗi người chúng ta lo kiến tạo thiên đàng ở trong tâm hồn của mình, tức là sống bác ái, yêu thương, tha thứ cho nhau, sống khiêm tốn với hết mọi người...
       Bởi vì: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa, và ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có Thiên đàng. Vậy thiên đàng không ở đâu xa lạ, mà ở ngay trong tâm hồn chúng ta, ở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, và thiên đàng ở ngay trong những người anh em của chúng ta. Tuỳ thuộc vào chính hành động, những suy tư và lối sống của chúng ta.
       Như Thánh Phanxicô Assisi dạy: “Xin cho con biết mến yêu, và phụng sự Chúa trong mọi người”…. và “Tìm an ủi người hơn được người ủi an, Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu…..”
     Chúng ta đang sống ở thiên đàng đấy thôi. Có điều anh và tôi có muốn đón nhận thiên đàng ngay trong cuộc sống này hay cứ chờ đợi một thiên đàng khác xa lạ mà chúng ta không nhìn thấy được.
      Đường vào thiên đàng nhiều chông gai lắm nhưng không phải là không vào được. Và cũng không phải đi tìm ở đâu cho xa lạ. Bạn và Tôi hãy tập cho mình có cái nhìn yêu thương và hành động bác ái, là chúng ta đã đem thiên đàng dâng tặng cho người khác, và chúng ta cũng đã tìm thấy THIÊN ĐÀNG cho chính mình.
Pet.

Của dâng cho Cha, của biếu cho Mẹ




   Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
  Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.
    Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
            Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
            Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.
   Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, để mẹ là xúc phạm đến Thượng Đế, kẻ tác tạo nên họ. (Huấn ca 3,3. 12-16).
     Tôi trình bày đoạn văn trên thành hai câu một, để chúng ta thấy tác giả viết như một bài thi ca, đối xứng ý và  lời. Hai câu đầu nói về con người: Ai yêu mến. Ai thảo kính.
AI YÊU MẾN THẢO KÍNH CHA MẸ
ĐỀN BÙ TỘI LỖI THU ĐƯỢC KHO TÀNG
Câu kế tiếp cắt nghĩa và căn dặn bổn phận làm con, cách cư xử với cha:
Hỡi kẻ làm con: Hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm: Con cũng hãy nể vì. Đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
Rồi lại đến lời thi ca. Hai câu này nói về của lễ: Của dâng. Của biếu.
CỦA DÂNG CỦA BIẾU CHO CHA CHO MẸ
KHÔNG RƠI VÀO QUÊN LÃNG XÂY DỰNG ĐỨC CÔNG CHÍNH
    Sau hai lời thi ca lại là câu cắt nghĩa:
   Vào ngày bĩ cực: Công việc con sẽ được nhớ đến, Như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, Khinh cha, dể mẹ Là xúc phạm đến Thượng Đế, Kẻ tác tạo nên họ.
    Đoạn văn viết chi tiết, phong phú về ý và ngôn từ. Đối xứng cách trình bày.
Yêu mến cha, tôi đền bù được tội lỗi.
Thảo kính mẹ, tôi thu được một kho tàng.
   Sau khi căn dặn cách đối xử, tác giả hứa những phần thưởng, và sau cùng là lời trừng phạt. Ai khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng  Đế.
   Trong đời sống, ta không dám khinh cha dể mẹ. Ta không nói lời lộng ngôn. Ta không xúc phạm đến Thượng Đế. Nhưng của lễ nào ta biếu cho mẹ, ta dâng cho cha?
    Thời gian có huyền nhiệm của thời gian. Có những tháng ngày tâm hồn ta chùng xuống vì thời gian đi quá lẹ, quá xa. Nhìn lại, bất chợt ta buâng khuâng tiếc nuối. Nếu cha tôi còn sống thì… Nếu mẹ tôi còn sống thì.......
   Tôi viết dòng này gởi người bạn trẻ.
   Ở lứa tuổi của tôi, ngày tháng không còn thong thả, không còn nhìn đời lững thững nữa. Cứ thường, người ta quý thời gian là khi người ta đã có vết thương về thời gian. Bạn còn trẻ, còn cha, còn mẹ. Tôi viết riêng cho bạn. Tôi mong bạn chưa bị thời gian để trong tâm hồn nỗi muộn màng, hối tiếc.
    Bố tôi bị stroke, tai biến mạch máu não tám năm nay. Tôi về thăm, bố không còn nhận ra tôi nữa. Ông cụ bại liệt nằm đó. Mẹ tôi phải săn sóc 24/24. Là linh mục với công việc mục vụ bận rộn ở đây. Tôi không biết ngày bố chết có về được không. Công việc giúp các khoá linh thao bắt tôi làm chương trình cả năm trước. Cộng đoàn đã lên chương trình cả năm, đến ngày tĩnh tâm, nếu bố chết, làm sao tôi từ chối, bỏ chương trình của họ mà về.
   Có về thì người chết cũng đã chết. Tôi không làm được gì. Bởi đó, tôi chuẩn bị tinh thần đó cho mẹ tôi. Nếu bố chết, mỗi em một phận sự lo tang lễ cho bố. Tôi nói với mẹ là tôi không về. Về cũng chẳng làm được gì. Nhiều lần tôi nói vậy. Mẹ tôi chỉ nghe. Mẹ biết tôi là linh mục, còn bao công việc chung. Mẹ im lặng.
   Đêm đó, tôi ngồi nhìn ánh đèn thành phố. Trên sân thượng của căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Sài Gòn.
   Ngày mai lên máy bay. Không biết ngày nào mới lại về thăm mẹ. Tôi nhớ đời sống của mẹ tôi. Tôi hình dung ngày đêm, những lúc vắng các cháu, mẹ tôi quanh quẩn bên cha tôi. Căn nhà có hai ông bà. Ông nằm đó không nói. Vắng tôi. Tôi phải lên Sài Gòn qua đêm để mai ra  phi trường. Đêm sau cùng. Tâm tư của một thời thanh niên yêu Sài Gòn, với những con đường và mưa đổ bất chợt. Tâm trạng của người quay về ôn kỷ niệm xưa mà sao Sài Gòn quá xa trong tâm thức. Tôi đang ngồi một mình trên sân thượng  thì bà chủ nhà đến.
   - Mai Cha đi xa rồi.
   Người đàn bà ngoài sáu mươi. Bà mới mất mẹ. Bà hỏi thăm gia đình tôi. Tình trạng bệnh tật của bố tôi. Bất chợt bà hỏi:
   - Có mệnh hệ nào, ông cố qua đời, Cha có về không?
   Câu hỏi này chính tôi đã chuẩn bị cho tôi từ lâu. Tôi cho bà biết tôi không về. Vì công việc mục vụ tôi không thu xếp được. Bà im lặng không nói. Cái im lặng giống mẹ tôi.
   Dưới đường xe cộ ồn ào. Sài Gòn vào mùa nóng, khí trời rất hanh, quá oi bức. Bụi đường và khói xe. Tôi ngồi trên sân thượng, nhìn phố xá, nhìn những con đường như lời chào của người sắp đi xa, tâm trạng không vui gì. Những khoảng trống thinh lặng. Không có câu chuyện nào tiếp nối giữa tôi và người đàn  bà đang để tang mẹ. Có lẽ tâm trạng bà cũng không vui. Tôi cắt nghĩa thêm cho bà về câu trả lời của tôi lúc nãy:
   - Tôi không về, vì về cũng chẳng làm gì được. Mọi cái tôi đã chuẩn bị.
    Im lặng. Vẫn cái im lặng trong tâm hồn của một người phụ nữ. Giống mẹ tôi. Sau cùng bà nói:
   - Cha cho phép con khuyên Cha một điều được không?
    Ngôn ngữ bà dùng ở đây rất đặc biệt. Bà nói bà muốn khuyên tôi. Tôi thưa bà là tôi sẵn sàng nghe.
    - Thưa Cha, con khuyên Cha, nếu ông cố chết, Cha phải về để tang. Cha là con trưởng trong gia đình. Không phải về thì cũng chẳng làm gì được, nhưng vì mẹ Cha. Cha về cho người sống chứ không phải cho người chết. Cha nói với mẹ Cha là ngày bố chết Cha không về. Cha có biết tấm lòng người mẹ thế nào không. Con vừa mất mẹ. Mất mẹ là cái tang lớn nhất. Năm nay đã ngoài sáu mươi. Mà ngày mẹ chết con vẫn thấy bơ vơ. Con cũng là mẹ, con có kinh nghiệm cả hai, kinh nghiệm của người con mất mẹ, và kinh nghiệm của người làm mẹ. Cha nói Cha không về. Mẹ Cha kính trọng nhiệm vụ của người con linh mục. Nhưng mẹ Cha sẽ buồn. Lời nói của Cha làm mẹ Cha nghĩ rồi đến ngày bà chết, Cha cũng không về. Người mẹ nào không thương con, muốn gần con. Cha có biết Cha nói thế, mẹ Cha đang sống những ngày nghĩ đến cái chết của ông cố, Cha không về, cái chết của mình, Cha cũng không về. Nó buồn lắm. Con là người mẹ con biết tâm hồn những bà mẹ. Cha phải về để thọ tang.
   Trời lúc đó mấy giờ khuya rồi, tôi không rõ. Bà nói tới đó rồi im. Dưới đường xe cộ vẫn ồn ào náo nhiệt. Trên sân thượng tôi im lặng. Phố xá dưới kia không hồn.
   Tôi không ngờ trong lối suy nghĩ của tôi từ trước đến nay quá nhiều lý trí. Bấy giờ tôi mới thấy cái im lặng của mẹ tôi khi tôi căn dặn các em phải làm gì khi bố chết. Bấy giờ tôi mới hiểu cái thinh lặng của mẹ tôi khi tôi an ủi bà là tôi không về. Một sự im lặng tôi thấy đau trong tim. Người đàn bà khuyên tôi, ấp úng, nước mắt lưng tròng. Tôi cũng đưa tay dúi mắt. Tôi thương mẹ tôi quá đỗi. Tôi muốn nói với bà. Mẹ ơi, con sẽ về.....
      
     Này người bạn trẻ còn cha mẹ.
    Kinh nghiệm chỉ mua bằng thời gian. Mà trẻ thì làm gì có nhiều thời gian để mua. Tôi gởi bạn những dòng này không như lời khuyên luân lý, giáo điều. Tôi muốn gởi bạn như tâm tình mà có quý bạn tôi mới viết. Tôi cám ơn người đàn bà đã khuyên tôi. Thời gian có thể làm hồn ta hạnh phúc hay mang thương tích. Chớ gì chúng ta biết lắng nghe sự huyền nhiệm của thời gian.
   Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe những người chung quanh nhiều lắm. Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống?
    Nhiều khi mẹ nói bằng im lặng của lòng mẹ.

Tác giả: Nguyễn Tầm Thường, sj.
(Đoạn khúc 99: Của dâng cho Cha, của biếu cho Mẹ)
Pet. Minh Chính (trong những ngày tưởng niệm 15 năm giỗ Bố)

Tri ân tình Cha, tình Mẹ



    Đây là một câu chuyện có thật về sự hy sinh của một người mẹ trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản. Sau khi trận động đất đã qua đi, khi các nhân viên cứu hộ đến thu dọn ngôi nhà của một người phụ nữ trẻ, họ nhìn thấy thân thể cô ấy qua các vết nứt. Nhưng cách tạo hình cơ thể của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và có một vật gì đó được hai tay của cô đỡ lấy. Ngôi nhà bị sụp và đổ ập lên lưng và đầu cô.
    Người đội trưởng đội cứu hộ đã rất khó khăn khi luồn tay mình qua khoảng cách hẹp trên tường để chạm tới cơ thể của người phụ nữ. Anh ấy đã hy vọng rằng người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, cơ thể lạnh và cứng của cô nói với anh rằng, cô ấy chắc chắn đã qua đời.
    Đội cứu hộ rời khỏi ngôi nhà và tìm kiếm tại những toà nhà sụp đổ khác. Nhưng không hiểu sao, người đội trưởng dường như bị một lực hút kéo trở lại căn nhà sụp đổ của người phụ nữ đã chết. Một lần nữa, anh quỳ xuống, và lần tìm qua những khe nứt hẹp một chút không gian dưới cơ thể đã chết. Rồi đột nhiên, anh hét lên đầy phấn chấn: “Một đứa bé!!! Có một đứa bé!”.
   Cả đội cùng nhau cẩn thận bỏ từng cái cọc trong đống đổ nát xung quanh xác người phụ nữ. Có một bé trai 3 tháng tuổi được bọc trong một tấm chăn hoa ngay bên dưới xác người mẹ. Người phụ nữ rõ ràng đã thực hiện một hành động hy sinh cuối cùng để cứu con trai mình. Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.
    Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ cậu bé. Sau khi ông mở tấm chăn, ông nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng, “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”...
     Chiếc điện thoại này đã đi từ bàn tay này đến bàn tay khác và qua bàn tay khác... Tất cả những người đọc tin nhắn đều đã khóc. “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng... mẹ rất yêu con...”.
   Tháng 11 lại về đem lại cho chúng ta một chút tâm tình tri ân tình cha, tình mẹ. Một tình yêu bao la như trời bể mà cha ông ta vẫn nói rằng:
Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân
”.
“Biết thờ song thân”, thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:
Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con
”.

Thế nên, nếu so sánh công đức của cha mẹ như non cao cũng chưa xứng đáng. Tình cha tình mẹ còn vượt xa không gian và thời gian. Có thể nói tình cha tình mẹ mãi không già luôn tươi trẻ trong cuộc đời của con. Cha mẹ có thể không để lại cho con gia tài lớn lao hay những công trình vĩ đại nhưng cha mẹ luôn để lại cho con một tình yêu thương vô ngần dành cho con. Vì thế mà có ai đó nói rằng:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
   Tình cha mẹ thương con là một tình yêu không biên giới. Một tình yêu vượt qua mọi toan tính vật chất để có thể bảo vệ che chở đời con. Đó là một tình yêu to lớn đầy hy sinh cho đàn con khôn lớn:
Mây trời lòng lộng không phủ kín công Cha.
Tần tảo xóm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn.
     Lá cây trong rừng dẫu nhiều cũng không thể sánh bằng công ơn của cha mẹ. Sao trên trời thật khó đếm, nhưng công ơn của cha mẹ lại càng khó đếm hơn những vì sao:
Ðố ai đếm được lá rừng,
Ðố ai đếm được mấy từng trời cao
Ðố ai đếm được những vì sao,
Ðố ai đếm được công lao mẫu từ
”.
     Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sinh lực hao mòn, nặng nhọc gánh chịu, làm sao ta có thể quên được tình mẹ bao la như biển cả ấy:
Nhớ ơn chín chữ cù lau
Ba năm nhủ bộ biết bao nhiêu tình
”.
     Tình ở đây là tình mẹ thương con. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời
”.
     Vậy, đổi lại sự hy sinh của tình cha tình mẹ, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành dụm để trao lại cho chúng ta. Chắc chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi già chẳng còn ham muốn những tham sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Và khi các ngài đã qua đời, đó chính là lời cầu nguyện của chúng ta dành cho các ngài.
      Người phụ nữ Nhật trước khi chết chỉ để lại một thông điệp cho con chính là: “Con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”... Đó chính là thông điệp của tất cả các đấng sinh thành kẻ còn sống cũng như người đã qua đời đang nói trong con tim mỗi người chúng ta. Chúng ta được sinh ra trong tình cha tình mẹ, được lớn lên trong tình thương đó và tình thương đó mãi mãi theo chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời. Đó cũng là bổn phận mà chúng ta phải báo hiếu qua hai chữ yêu thương. Yêu thương thể hiện của lòng thảo kính vâng phục các ngài. Yêu thương thể hiện qua chữ hiếu luôn phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Yêu thương thể hiện qua lời cầu nguyện ngày đêm dành cho những người đã qua đời.
    Ước gì mỗi người chúng ta từng được cưu mang trong tình yêu của cha mẹ thì hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Hãy biết tận dụng tháng 11 để tích luỹ ơn ích thiêng liêng mà cầu nguyện cho các ngài. Hãy làm việc bác ái, hy sinh và cầu nguyện giúp các ngài vượt qua cuộc thử thách trước toà phán xét của Thiên Chúa. Ước gì những hy sinh và lời cầu nguyện chân thành của chúng ta là lễ vật đẹp nhất để dâng về Thiên Chúa và dâng kính tổ tiên. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Viết trong ngày giỗ Bố

    Thấm thoắt thế mà đã lại tới ngày giỗ Bố (ngày 8 tháng 12). Vậy là, lại lùi xa thêm một năm nữa, ngày bố xa chúng con. Năm nay đã là 15 năm chúng con không còn bố ở trên đời. 15 năm trôi qua mà sao vết thương trong lòng con, từ một đưa con trai mới lớn, giờ đã là người đàn ông trưởng thành, đã là trụ cột của một gia đình rồi, mà vẫn chưa nguôi ngoai, vẫn đau lắm, nhớ lắm khi nghĩ đến bố.
   Ngày bố mất cũng là ngày Giáo hội mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, thật là một sự trùng hợp ý nghĩa. Ngày đó con mới bước chân vào học Đại học, khi bố ốm con không thể chăm sóc, lúc bố hấp hối và trút hơi thở cuối cùng con cũng không thể có mặt để gặp bố, và bố kịp nhìn mặt con. Khi con về tới nhà thì bố đã ra đi vĩnh viễn rồi….
   Năm đầu tiên, sát ngày giỗ bố, trời trút cơn mưa to do ảnh hưởng của bão. Chiều muộn, con mới từ Đức Thọ (Hà Tĩnh) về nhà do phải đi thực tập cùng nhà trường. Ngồi trên xe suốt chặng đường dằng dặc ấy, nhớ lại ngày tiễn biệt bố mà lòng con nghẹn lại. Lòng lại thầm ước, giá như giây phút sinh ly tử biệt ấy, con có mặt bên bố….  Con rất thương bố, vì bố đã phải gồng mình chống chỏi với bệnh tật suốt 17 năm ròng, mà không một lời than phiền, chỉ ưu tư và lo lắng cho hai anh em chúng con. Nhà mình chỉ còn mẹ, con và em gái thôi, ít người nên hiu quảnh lắm, nhưng bây giờ gia đình mình đã có thêm hai nữ tu là em kết nghĩa của con đang phục vụ ở các dòng tu, nên ấm cúng lắm bố à. Từ ngày bố mất, gia đình mình đã khó khăn, lại túng quẫn hơn. Nhưng bố ơi, con cảm nghiệm ra rằng, Chúa không lấy đi của ai tất cả. Suốt mấy năm con học Đại học, không có bố bên cạnh, nhưng con đã gặp được những người bạn tốt của bố, những người đó đã nhiệt tâm giúp đỡ và dìu dắt con lên người. Bố ơi, bây giờ gia đình mình cũng đã khá hơn rồi, con đã xây nhà mới, nhưng ngôi nhà gắn với cuộc đời bố con vẫn lưu giữ lại; hai đứa cháu nội, ba đứa cháu ngoại của bố vẫn thường hỏi về bố đó. 
   Không biết bao nhiêu đêm rồi, con không ngủ được vì nhớ đến bố. Có nhiều đêm con làm việc khuya, bố cũng thao thức với con. Vẳng trong tâm hồn con là tiếng nói của bố. Bố nói rằng, công việc của con vất vả lắm, lại bị nhiều người suy diễn và hiểu lầm, con phải can đảm và vững bước, đừng đánh mất niềm tin, thời gian sẽ giúp con và bằng chính cuộc sống của mình con phải làm cho nhiều người hiểu và chia sẻ. Biết bao đêm con suy tư, biết bao khó nhọc, biết bao hiểu lầm, biết bao ganh ghét của người đời, con không biết chia sẻ cùng ai, con muốn tâm sự cùng bố, vậy mà, đêm thì thăm thẳm, bố đi xa rồi, biết còn ai chia sẻ cùng con nữa bố ơi.
    Sáng ngày 06 tháng 12 này, Cha xứ và Cha quê hương sẽ dâng thánh lễ tượng niệm 15 năm ngày bố đi xa. Nhiều người bạn của bố gọi điện thoại nhờ con thắp dùm nhang cho bố. Và những món quà nhỏ của những người bạn bè con. Có người ở gần, có những người ở rất xa. Có người bố biết. Có cả những người bố chưa từng gặp. Con thấy ấm lòng. Và con biết bố cũng vui. Vì cuộc sống vẫn còn những điều ân nghĩa, vẫn còn những điều để hi vọng, phải không bố...
    Vì lòng nhân từ và công nghiệp của Đức Kitô phục sinh, nguyện xin Chúa thương ban cho linh hồn bố được an vui trên nước Thiên đàng cùng Chúa và các thần thánh.
                                                                           
Cẩm Trường, ngày 04/12/2012.
Con: Pet. Minh Chính