Người
đời chúng ta thường quan niệm theo giáo lý Phật giáo rằng, cuộc đời con người
thường phải đi qua bốn giai đoạn là sinh,
lão, bệnh, tử. Có sinh thì có diệt, không có cái gì
vĩnh viễn trên đời này. Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, xanh tốt xum xuê
trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, rơi rụng vào mùa đông, chỉ còn trơ trụi
cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh,
trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.
Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô
thường... Ðời người cùng vậy - là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư
phiền não. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào
đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ,
lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào
lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới
làm ra được... Chính vì vậy, người xưa
đã đặt một dấu hỏi: ”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” (người ta xưa nay ai mà không chết) hay
như người Phương tây có cấu: Life
is too short (cuộc đời quá
ngắn). Biết bao đế quốc hùng mạnh, biết bao vĩ nhân lừng danh, biết bao anh
hùng cái thế đã qua đi, có chăng chỉ còn lại trong sử sách. Đó là căn nguyên của lẽ
vô thường.