Hạt giống tâm hồn

Đợi chờ yêu thương trên cây Thánh giá - Đợi xóa sân si dưới bóng Bồ đề
MrCosVn's Blog

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ CẨM TRƯỜNG QUÊ TÔI


  Cẩm Trường (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trong những xứ đạo giàu truyền thống bậc nhất Giáo phận Vinh (gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Lịch sử giáo phận đã ghi lại, sau khi vào truyền giáo tại Cửa Bạng – Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 19/03/1627, phái đoàn dòng Tên do cha Đắc Lộ dẫn đầu đã đến truyền giáo tại vùng Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tại đây, các thừa sai đã rửa tội cho nhiều người sống xung quanh lạch Quèn và lạch Cờn. Trước đó, một số gia đình Công Giáo từ Nam Định trong cuộc chạy cơn bách hại của Chúa Trịnh đã vào cư trú tại vùng đất Đồng Ngói – Cẩm Trường. Hạt giống Tin Mừng nơi đây phát triển mạnh, đến năm 1732 giáo họ Kẻ Quát được thành lập (tiền thân của giáo họ trị sở Cẩm Trường) và giáo họ Hạ Lăng (Đồng Lăng) thành lập năm 1750.
    Gần 200 năm sau, vào khoảng 1863, thừa sai Nicolas Barbie Tâm coi sóc xứ hạt Gấm Dài - Quỳnh Lưu đã gửi một bản phúc trình khác về Tòa Giám mục Xã Đoài để chuẩn bị lập họ, phân xứ. Giáo xứ đầu tiên trên đất Quỳnh Lưu chính thức thành lập với tên gọi là Cẩm Trường (1865), thay cho tên gọi vùng truyền giáo Gấm Dài - Quỳnh Lưu trước đây. Danh xưng “Cẩm Trường” - nghĩa là dải lụa dài (“Cẩm” là “gấm vóc”, “Trường” là “dài”). Theo sử sách kể lại, lúc này giáo xứ Cẩm Trường có tất cả 34 giáo họ: Cẩm Trường, Đồng Lăng, Hội Yên, Yên Hoà, Du Xương (Trang Họ), Quý Vinh, Dị Lệ, Thuận Nghĩa, Yên Lưu, Hạ Nguyên, Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Thuận Giang, Tân Lập, Thanh Dạ, Cự Tân, Xuân An, Lộc Thuỷ, Mành Sơn, Văn Phú (Quỳnh Tiến), Tân Yên, Ngọc Thanh, Ngọc Sơn, Văn Thai, Văn Trường, Văn Cả, Thia Thia (Vịnh Giang), Đồng Lầy (Phú Xuân), Đồng Xuân (Quang Tĩnh), Đồng Ầm, Đập Bể (Nghĩa Thành), Đồng Lèn, Tân Hội (Tân Nghĩa) và Vịnh Yên (An Hoà). 
Thánh lễ khánh thành và cung hiến thánh đường Giáo xứ Cẩm Trường 10/3/2010
     Trải qua quá trình phát triển thăng trầm, Cẩm Trường trở thành xứ mẹ của các giáo xứ thuộc Giáo hạt Thuận Nghĩa (Quỳnh Lưu) và Giáo hạt Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn). Trước ngày thành lập, giáo xứ có 22 Linh mục Thừa sai chánh coi sóc; trong đó, có Cha Ambrôsiô Nhân là Thừa sai Pari từ trần vào năm 1834. Kể từ khi mang tên chính thức là Cẩm Trường, giáo xứ gần 150 tuổi với 21 linh mục quản nhiệm, trong số đó có 7 Cha đã yên nghỉ tại giáo xứ. Cha xứ đương nhiệm là linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh, quản xứ từ năm 2006. Xứ Cẩm Trường hiện có 5.000 giáo dân, với giáo họ Trị sở Cẩm Trường, Đồng Lăng, Hội Yên và Trường Cựu.
      Giáo xứ Cẩm Trường có có 13 linh mục con cái, trong đó, có Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quế đã tử vì đạo ngày 14-11-1962 tại trại tù Quyết Tiến (Cổng Trời, Hà Giang) và 5 Cha qua đời tại quê hương; có 5 đại chủng sinh, 22 tu sỹ khấn tạm và 28 tu sỹ đã khấn trọn đời tại các Dòng tu trong và ngoài nước. 
      Trải qua hàng trăm năm phát triển và trưởng thành, con cái Cẩm Trường có quyền tự hào về những trang sử hào hùng mà biết bao thế hệ cha anh đã gây dựng. Họ cũng đã và đang tiếp bước trong việc bảo vệ đời sống Đức tin và phát huy truyền thống đạo đức đó của các tiền nhân. 
Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi - giáo xứ Cẩm Trường


Khuôn viên thánh đường
 Pet. Minh Chính

Tâm Tình Ngày Lễ Thánh Gia



    Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
    Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

    Khi niềm vui Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần vẫn còn bởi những dây đèn quanh nhà thờ vẫn thắp sáng. Giáo hội đã lấy ngày 30-12 làm này Kỉ niệm Thánh Gia Thất. Thật ý nghĩa, vì hầu hết hang đá đều đặt tượng cả ba Đấng: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse; Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn lớn lên trong một gia đình, cũng là lúc thuận tiện để các gia đình tổng kết cuối năm, chuẩn bị đón mùa xuân mới với một tuổi mới.
    Trong cuộc sống vợ chồng, hai con người ở hai môi trường khác nhau về chung sống chỉ vì "duyên nợ" sao tránh khỏi những lúc vì cái "tôi bản thân " quá lớn, hoặc do thiếu sự thấu hiểu nhau mà "cơm không lành, canh không ngọt". Thế nhưng, lời thề toát lên từ miệng lưỡi "yêu nhau đến trọn đời" trước Thiên Chúa, như là dấu mộc đã đóng vào tim mỗi người. Cũng thật chuẩn xác khi phép hôn phối có nghi thức trao nhẫn. "Nhẫn" để mỗi người khi kết hôn biết nhẫn nhịn nhau để gia đình trên thuận dưới hòa.
     Kết hôn rồi sinh con, nuôi dạy con thế nào cho tốt. Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ ngày càng rộng mở. Đàn ông không như xưa "sáng vác cuốc đi, tối vác về" mà còn phải có bao mối quan hệ xã giao, làm ăn nên có đôi khi làm người phối ngẫu phiền lòng. Cũng vậy, người phụ nữ ngày nay đâu chỉ biết mỗi việc bếp núc, mà còn ra ngoài làm việc xã hội bên cạnh việc nuôi dạy con cái, nên lắm khi cũng thật sự quá  tải. Thế cho nên nhiều lúc trong chúng ta muốn buông xuôi… Càng thấm thía câu "xây thì dễ, giữ được mới khó"
     Tỷ lệ ly hôn hằng năm ngày càng cao. Vì sao vậy ? Vì phụ nữ ngày nay mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn ở tất cả mọi phương diện. Thế nhưng điều gì nó cũng có hai mặt: Mạnh mẽ để cái "tôi" của mình phát triển quá cũng không hay. Suốt cuộc đời cứ "xé nháp làm lại" sao, hay sẽ chọn cuộc sống độc thân. Người Phụ nữ bước vào cuộc sống hôn nhân cần lắm thay câu "giữ lửa" và cần lắm thay người đồng hành "Giữ lửa" trong gia đình là các ông.
    Xin thiên chúa người kết hợp cho chúng con. Đức Maria,Thánh cả Giuse cầu bầu cho chúng con. Để chúng con hằng năm nhìn lại, thấy gia đình mình xứng đáng là "Gia đình Thánh Gia". Amen.

Nguồn: http://gxdaminh.net

LỜI CẦU NGUYỆN TẠ ƠN



    Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường dâng lời tạ ơn với Đức Chúa Cha trước khi làm việc gì:  khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 15:36), trong bữa tiệc ly (Mt 26:27), cho La-da-rô sống lại từ cõi chết (Ga 11:41)…  Nhân Mùa Tạ Ơn đến, con cũng muốn bắt chước Chúa để bập bẹ những lời tạ ơn, những lời tạ ơn khó nói nhất của kiếp nhân sinh!  Có những lời tạ ơn thật dễ để nói với nhau và với Chúa.  Nhưng cũng có những lời tạ ơn không thể thốt thành lời nếu không có ơn Chúa.  Phải đợi khi linh hồn con được nuôi dưỡng bằng bao nhiêu ân sủng từ trời cao, đợi khi con đi gần đến hoàng hôn của đời người, thì con mới đủ can đảm nói lên những lời tạ ơn muộn màng này.  Tạ ơn ai?  Tạ ơn hay hờn giận?  Cám ơn hay trách móc?  Tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh cuộc đời và những người một thời đã làm con đau khổ.  Khó quá Chúa ơi!  Đôi khi lời được thốt ra trong dòng nước mắt không biết của hờn giận hay của tha thứ.  Đôi khi lời được bập bẹ ở đầu môi, những nghẹn ngào tức tưởi ngăn cho lời không tròn chữ.  Đôi khi lời được bật lên qua con tim rướm máu của vết thương năm xưa chưa lành hẳn.  Dù thật khó để nói, dù ê a tập tành từng chữ như trẻ nhỏ học nói, nhưng Chúa ơi, con sẽ cố gắng để nói…
    Cám ơn những người bạn đã phản bội tôi năm nào.  Đau khi bị phản bội!  Nhưng Người đã dạy cho tôi hiểu bài học về tình bạn chân thật là “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)
    Cám ơn người yêu đã phụ tình tôi năm xưa.  Hận khi bị phụ rẫy!  Nhưng Người đã dạy tôi biết trân quý tình yêu của Người đã dám “yêu thương đến cùng!” (Ga 13:1)
     Cám ơn kẻ thù, những người đã bắn gục tôi trên chiến trường năm nào, đã đẩy tôi lao đao khốn khó trong chốn lao tù năm xưa.  Người đã vô tình tạo cơ hội cho gia đình tôi giờ đây được bình an định cư nơi thiên đường của trần thế, đã cho tôi cơ hội để sống câu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)
    Cám ơn những đứa con hoang đã làm cõi lòng mẹ cha tan nát.  Thất vọng, buồn tủi ngập tràn con ơi!  Nhưng con đã cho cha mẹ cơ hội để nên thánh.
     Cám ơn những bậc cha mẹ bất hảo đã không yêu thương và dạy dỗ con cái mình như bổn phận đáng phải làm.  Cay đắng khi bị hất hủi mẹ cha ơi!  Nhưng Người đã làm cho trái tim con luôn khát khao tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa Tình Yêu.
     Cám ơn những vấp ngã của tuổi thanh xuân.  Ngươi đã làm cho ta biết khiêm nhường hơn.
     Cám ơn những tội lỗi mà phận người yếu đuối vấp đi phạm lại nhiều lần trong đời.  Ngươi đã cho ta cơ hội cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.  Ôi, tội hồng phúc!
     Cám ơn những quyết định sai lầm thưở nào đưa đến hoàn cảnh ngang trái hôm nay.  Ngươi đã dạy ta biết phấn đấu vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời.
     Cám ơn hai chữ “kiếp nghèo” gắn liền với số phận hẩm hiu.  Đôi lúc ta ghét ngươi nhưng ngươi đã làm cho ta dễ dàng tiến vào Nước Trời hơn.  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)
     Cám ơn những lần thất nghiệp cay đắng, những lần phá sản, bị lừa gạt, mất nhà, thua stock trắng tay.  Ngươi đã dạy cho ta hiểu nghĩa của cải phù du ở đời này.  “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1:2).
      Cám ơn những lần thất bại ê chề nhục nhã.  Biết bao bài học ta đã học được từ nơi ngươi.
      Cám ơn căn bịnh hiểm nghèo mà ta đang mang.  Nhờ ngươi mà linh hồn ta thức tỉnh phận người mỏng dòn chóng qua.  Ngươi đã giúp ta biết yêu quý những giây phút ít ỏi còn sót lại trên cõi đời tạm này.
     Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã lấy đi!
      Tạ ơn Chúa vì những trái đắng Ngài đã trao ban, dù con không muốn nhận.
      Tạ ơn Chúa vì số vốn quá ít ỏi Ngài cho con khi gởi con đến trong cuộc đời này!  Vì “ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.” (Lc 12:48)
      Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã thẳng tay thanh tẩy, gọt dũa linh hồn con mặc cho con dẫy dụa đau đớn.
      Tạ ơn Chúa vì tấm thân mệt mỏi bịnh hoạn, những lo toan vất vả trong cuộc sống khiến con không còn sức để bon chen hận thù ghen ghét. 
      Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã cương quyết không cho con những cái mà con xin, những thứ con cần, những gì con đang mong đợi, vì chỉ có Ngài mới biết những gì là cần thiết cho linh hồn và ơn cứu rỗi của con
      Tạ ơn Chúa vì những cái chết oan nghiệt, sự ra đi vội vàng của người thân khi tuổi đời còn quá trẻ.  Con biết Ngài muốn nhắc con nhớ rằng“đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm đuợc mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!” (Tv 39:5).
      Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng mà Ngài đang dạy dỗ con.  Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa.  Có những lúc con muốn thét lên “tại sao là con?”, “tại sao lúc nào cũng lại là con?”.   Nhưng con biết rằng chỉ những ai được Người thương yêu thì Người mới sửa phạt vì “Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu qúy.” (Cn 3:12)
      Lạy Chúa, đường đời trước mắt còn giăng đầy chông gai, có bao nhiêu nghịch cảnh thì có bấy nhiêu “Lời Tạ Ơn Khó Nói”.  Có những cái con chưa nhìn ra hết, có những điều con chưa cảm nhận được và có những lời chưa thể thốt nên lúc này.  Xin ban cho con sức mạnh của Ngôi Lời Nhập Thể để con có thể tiếp tục cám ơn anh em mình - dù là kẻ thù - và dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh - dù là ngang trái.  Tạ ơn không chỉ trong ngày lễ Tạ Ơn mà là tạ ơn Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời con.  Amen!


     Nguồn: suyniemhangngay.org

CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH



    Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Giáng Sinh. Không khí của ngày lễ chưa làm tôi nôn nao, cho dù bãi đậu xe của cửa hàng giảm giá trong khu nhà chúng tôi đã chật ních đầy xe. Bên trong cửa hàng lại còn tệ hơn. Các lối đi đầy ứ những xe đẩy hàng và người mua sắm vào giờ chót.
    Tại sao tôi lại đến đây hôm nay? Tôi tự hỏi. Đôi chân tôi rã rời, đầu tôi đau buốt. Tôi đã có 1 danh sách một số người quả quyết rằng họ không cần quà cáp, nhưng tôi biết họ sẽ rất buồn nếu như tôi chẳng tặng quà gì cho họ!
    Mua quà cho người mà cái gì họ cũng có để rồi lại hối tiếc vì đã tốn kém nhiều cho quà cáp, theo tôi mua quà chẳng có tí gì là thích thú cả!
    Tôi vội vã cho những món hàng cuối cùng vào xe đẩy, rồi tiến tới những dòng người xếp hàng dài đăng đẳng. Tôi chọn hàng ngắn nhất nhưng có lẽ cũng phải chờ đến 20 phút.
    Đứng trước tôi là 2 đứa trẻ - 1 cậu bé khoảng 5 tuổi và 1 cô bé nhỏ hơn. Đứa bé trai mặc một chiếc áo rách. Đôi giày tennis rách tả tơi, lớn quá khổ và dư thừa ra phía trước chiếc quần Jean ngắn cũn cỡn của nó. Nó nắm chặt mấy tờ đô-la rách nát trong đôi bàn tay cáu bẩn của mình. Quần áo của đứa bé gái cũng giống y anh nó vậy.
    Cô bé có một mái tóc xỉn màu với những lọn tóc xoăn. Trên khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bé hiện rõ rằng cô bé đang mong chờ đến bữa ăn chiều. Trong tay cô là một đôi dép màu vàng bóng thật đẹp. Trong lúc tiếng nhạc Giáng Sinh vang lên từ hệ thống stereo của cửa hàng, cô khe khẽ ngân nga theo, dù lạc điệu nhưng rất hạnh phúc.
     Cuối cùng cũng đã tới phiên chúng tôi, cô bé cẩn thận đặt đôi giày lên quầy.   Cô có vẻ quý đôi giày như vàng vậy.
     Người thu ngân in hoá đơn và nói: “Của cháu là 6,09 đô”. Câu bé đặt những đồng tiền rách nát của mình trên mặt quầy và lục tìm khắp túi.
     Cuối cùng cậu tìm được tất cả là $5.12. “Cháu nghĩ chúng cháu phải trả đôi giày lại” - cậu lấy hết can đảm nói. “Lúc khác cháu sẽ quay lại, có lẽ là ngày mai”.
     Nghe anh nói thế, cô bé bắt đầu nức nở:
    “Nhưng Chúa Jesus sẽ rất yêu thích đôi giày này cơ mà” - cô bé khóc.
    “Thôi được, chúng ta về nhà và sẽ kiếm thêm, em à, đừng khóc nữa, rồi chúng ta sẽ quay trở lại mà” - Cậu bé năn nỉ em.
     Tôi nhanh chóng đưa cho người thu ngân 3 đô. Hai đứa trẻ đã xếp hàng chờ đợi quá lâu, và dù sao cũng đang là mùa Giáng Sinh.
     Bỗng niên một đôi vòng tay ôm lấy tôi và giọng nói nhỏ nhẹ cất lên: “Cháu cảm ơn cô, cô nhé”.
     “Ý của cháu là gì khi nói rằng ”Chúa Jesus sẽ thích đôi giày này? “- Tôi hỏi.
     Cậu bé đáp: “Mẹ cháu bệnh và sẽ lên Thiên Đàng. Bố bảo mẹ sẽ về với Chúa trước Giáng Sinh”.
     Cô bé nói thêm: “Giáo viên của cháu nói rằng đường phố trên Thiên Đàng vàng bóng, như chính đôi giày này đây. Mẹ cháu sẽ rất đẹp khi mang đôi giày này đi trên con đường ấy phải không cô?”
     Nước mắt tôi tuôn trào khi nhìn thấy những giọt lệ lăn trên khuôn mặt cô bé.
     Tôi đáp: “Đúng, cô tin chắc là mẹ cháu sẽ rất đẹp”.
    Tôi lặng lẽ cám ơn Thượng Đế đã dùng những đứa trẻ này để nhắc nhở tôi về ý nghĩa đáng trân trọng của việc tặng quà.

Pet (sưu tầm)

Lá thư Giáng sinh của Chúa Giêsu


  Con yêu dấu của Ta.
     Như con thấy đó, người ta đang chuẩn bị mừng ngày sinh nhật của Ta.
    Những ngày này ai nấy bận sắm quà, các hãng truyền thông như TV, radio, báo chí tha hồ quảng cáo quà tặng, và càng tiến gần ngày lễ, nhịp độ mua sắm gia tăng, quảng cáo thêm phần sinh động, hấp dẫn. Người ta nói nhiều, thật nhiều về lễ sinh nhật của Ta. Quả là điều tốt đẹp, ít nhất một năm một lần, rất nhiều người nhớ đến Ta.
    Như con biết rồi đó, lễ sinh nhật của Ta đã có từ rất lâu. Lúc đầu, biết bao người cảm nhận và hiểu rõ ý nghĩa ngày sinh nhật của Ta, nên lễ mừng đã diễn ra với lòng biết ơn bởi tình yêu Ta mang lại cho loài người, nhưng rồi với năm tháng, ngày sinh nhật này biến thành lễ kỷ niệm và chẳng khác một ngày hội vui để khỏa lấp sự mệt mỏi trong năm.
    Gia đình và bạn bè cùng nhau tận hưởng niềm vui với lời chúc tốt đẹp được in trên tấm thiệp, với bàn tiệc đủ cao lương mỹ vị, với cả những điệu nhảy quay cuồng bên cây thông Giáng sinh đủ ánh đèn màu và lủng lẳng đầy quà, họ chẳng hề biết ý nghĩa đích thực của ngày lễ. Lễ sinh nhật của Ta biến thành lễ hội rất lớn để ăn mừng.
     Đọc tới đây con sẽ bận tâm vì không hiểu Ta muốn nói điều gì ? Điều mà con muốn biết ư ?
     Ta đã không được mời. Ta là vị khách danh dự mà họ chẳng bận tâm gởi thiệp mời. Bữa tiệc lẽ ra phải dành cho Ta, nhưng lúc họ khai tiệc, cửa nhà họ đóng lại. Họ đóng cửa ngay trước mặt Ta chỉ vì Ta nghèo, chẳng có địa vị, và thân phận bọt bèo của Ta đâu có xứng đáng ngồi chung bàn tiệc của họ.
     Ta đã đến. Ta muốn chia sẻ niềm vui của họ, nhưng Ta đã phải đứng bên ngoài. Quả thật, họ đã gạt Ta ra khỏi cuộc sống của họ.
     Đã nhiều năm qua, con người đã đóng cửa nhà lại đối với Ta. Điều thực tế phủ phàng này không làm Ta ngạc nhiên. Ngay cả lúc Ta không được mời, Ta đã quyết định đến ngụ trong nhà họ và không chút ồn ào. Ta đến và đứng ở một góc nhỏ bé.
     Mọi người uống rượu. Một số người thì say xỉn. Một số cười nói bông đùa, đủ mọi thứ chuyện. Họ đã có một quảng thời gian tận hưởng niềm vui. Thế rồi, một người đàn ông to lớn mặc áo đỏ có bộ râu trắng tiến vào phòng mà hô to hô - hố, hình như hắn cũng say lúy túy. Hắn ngồi trên chiếc ghế bành và rồi đám trẻ con tiến lại: “Hoan hô ông già Noel, ông già Noel”. Hắn, người đàn ông đó hãnh diện vì được tôn vinh.
    Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu hôn nhau cầu chúc điều tốt lành. Ta mở rộng vòng tay và chờ đợi ai đó đến hôn Ta mà chẳng có ai. Bất ngờ, họ bắt đầu chia quà. Ai nấy khui món quà của mình với một hy vọng lớn. Lúc tất cả quà được mở ra, Ta ước mong phải chi có một món quà dành cho Ta. Con cảm thấy thế nào, giả như ngày sinh nhật của con, mọi người chia quà mà con chẳng có?
    Rồi Ta hiểu rằng, đứng ở bữa tiệc này chẳng được gì và Ta lặng lẽ ra đi. Lễ mừng sinh nhật của Ta càng lúc càng tồi tệ. Con người chỉ biết nhớ đến quà, tiệc mừng, ăn và uống, và chẳng ai nhớ đến Ta.

      Con yêu dấu của Ta.
      Ta muốn dịp lễ Giáng Sinh này, con cho phép Ta được thâm nhập vào cuộc đời của con. Ta muốn con thừa nhận có một thực tế đã xẩy ra hai ngàn năm về trước, Ta đã đến thế gian để ban cho con sự sống ở nơi hang lừa máng cỏ nghèo nàn, ở nơi thập giá xấu xí mà nhân loại muốn ruồng bỏ, và nơi sự sống lại của Ta con vững tin vào một cuộc đời hạnh phúc trường cửu. Cái mà nhân loại đang tìm kiếm niềm vui ngày lễ hôm nay chỉ là tạm bợ, chóng qua.
   Hôm nay, Ta chỉ muốn con tin tưởng điều thực tế trên với con tim. Ta muốn chia sẻ đôi điều với con. Dẫu rằng con người đã không muốn mời Ta dự tiệc, nhưng Ta vẫn có một bữa tiệc riêng đặc biệt dành cho con, dành cho những ai tha thiết công lý và hoà bình, yêu mến sự công chính và nghèo hèn. Bữa tiệc vĩ đại đó con người không thể hình dung và Ta đã dọn sẵn.
      Hôm nay, Ta gởi đến nhiều thiệp mời và một thiệp mời dành riêng cho con. Ta muốn biết, nếu con khao khát đón nhận thiệp mời, Ta sẽ dọn phòng cho con và viết tên con với những dòng chữ vàng trong cuốn sổ đặt biệt dành cho khách mời. Chỉ có những người có tên trong danh sách đặc biệt này mới được vào dự tiệc.
     Những người không hồi đáp, nếu có đến, sẽ được mời ra ngoài. Hãy chuẩn bị bởi vì lúc mọi thứ đã sẵn sàng con sẽ dự phần trong bữa tiệc lớn đầy yêu thương của Ta (Mt 8:11).
      Hẹn gặp con sớm. Ta yêu con !
     Con hãy chia sẻ thông điệp này với bạn hữu nhân mùa Giáng Sinh.

      Giêsu

(Đình Vượng,  phỏng dịch - gpcantho.com)