Hạt giống tâm hồn

Đợi chờ yêu thương trên cây Thánh giá - Đợi xóa sân si dưới bóng Bồ đề
MrCosVn's Blog
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng

Lá thư Giáng sinh của Chúa Giêsu


  Con yêu dấu của Ta.
     Như con thấy đó, người ta đang chuẩn bị mừng ngày sinh nhật của Ta.
    Những ngày này ai nấy bận sắm quà, các hãng truyền thông như TV, radio, báo chí tha hồ quảng cáo quà tặng, và càng tiến gần ngày lễ, nhịp độ mua sắm gia tăng, quảng cáo thêm phần sinh động, hấp dẫn. Người ta nói nhiều, thật nhiều về lễ sinh nhật của Ta. Quả là điều tốt đẹp, ít nhất một năm một lần, rất nhiều người nhớ đến Ta.
    Như con biết rồi đó, lễ sinh nhật của Ta đã có từ rất lâu. Lúc đầu, biết bao người cảm nhận và hiểu rõ ý nghĩa ngày sinh nhật của Ta, nên lễ mừng đã diễn ra với lòng biết ơn bởi tình yêu Ta mang lại cho loài người, nhưng rồi với năm tháng, ngày sinh nhật này biến thành lễ kỷ niệm và chẳng khác một ngày hội vui để khỏa lấp sự mệt mỏi trong năm.
    Gia đình và bạn bè cùng nhau tận hưởng niềm vui với lời chúc tốt đẹp được in trên tấm thiệp, với bàn tiệc đủ cao lương mỹ vị, với cả những điệu nhảy quay cuồng bên cây thông Giáng sinh đủ ánh đèn màu và lủng lẳng đầy quà, họ chẳng hề biết ý nghĩa đích thực của ngày lễ. Lễ sinh nhật của Ta biến thành lễ hội rất lớn để ăn mừng.
     Đọc tới đây con sẽ bận tâm vì không hiểu Ta muốn nói điều gì ? Điều mà con muốn biết ư ?
     Ta đã không được mời. Ta là vị khách danh dự mà họ chẳng bận tâm gởi thiệp mời. Bữa tiệc lẽ ra phải dành cho Ta, nhưng lúc họ khai tiệc, cửa nhà họ đóng lại. Họ đóng cửa ngay trước mặt Ta chỉ vì Ta nghèo, chẳng có địa vị, và thân phận bọt bèo của Ta đâu có xứng đáng ngồi chung bàn tiệc của họ.
     Ta đã đến. Ta muốn chia sẻ niềm vui của họ, nhưng Ta đã phải đứng bên ngoài. Quả thật, họ đã gạt Ta ra khỏi cuộc sống của họ.
     Đã nhiều năm qua, con người đã đóng cửa nhà lại đối với Ta. Điều thực tế phủ phàng này không làm Ta ngạc nhiên. Ngay cả lúc Ta không được mời, Ta đã quyết định đến ngụ trong nhà họ và không chút ồn ào. Ta đến và đứng ở một góc nhỏ bé.
     Mọi người uống rượu. Một số người thì say xỉn. Một số cười nói bông đùa, đủ mọi thứ chuyện. Họ đã có một quảng thời gian tận hưởng niềm vui. Thế rồi, một người đàn ông to lớn mặc áo đỏ có bộ râu trắng tiến vào phòng mà hô to hô - hố, hình như hắn cũng say lúy túy. Hắn ngồi trên chiếc ghế bành và rồi đám trẻ con tiến lại: “Hoan hô ông già Noel, ông già Noel”. Hắn, người đàn ông đó hãnh diện vì được tôn vinh.
    Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu hôn nhau cầu chúc điều tốt lành. Ta mở rộng vòng tay và chờ đợi ai đó đến hôn Ta mà chẳng có ai. Bất ngờ, họ bắt đầu chia quà. Ai nấy khui món quà của mình với một hy vọng lớn. Lúc tất cả quà được mở ra, Ta ước mong phải chi có một món quà dành cho Ta. Con cảm thấy thế nào, giả như ngày sinh nhật của con, mọi người chia quà mà con chẳng có?
    Rồi Ta hiểu rằng, đứng ở bữa tiệc này chẳng được gì và Ta lặng lẽ ra đi. Lễ mừng sinh nhật của Ta càng lúc càng tồi tệ. Con người chỉ biết nhớ đến quà, tiệc mừng, ăn và uống, và chẳng ai nhớ đến Ta.

      Con yêu dấu của Ta.
      Ta muốn dịp lễ Giáng Sinh này, con cho phép Ta được thâm nhập vào cuộc đời của con. Ta muốn con thừa nhận có một thực tế đã xẩy ra hai ngàn năm về trước, Ta đã đến thế gian để ban cho con sự sống ở nơi hang lừa máng cỏ nghèo nàn, ở nơi thập giá xấu xí mà nhân loại muốn ruồng bỏ, và nơi sự sống lại của Ta con vững tin vào một cuộc đời hạnh phúc trường cửu. Cái mà nhân loại đang tìm kiếm niềm vui ngày lễ hôm nay chỉ là tạm bợ, chóng qua.
   Hôm nay, Ta chỉ muốn con tin tưởng điều thực tế trên với con tim. Ta muốn chia sẻ đôi điều với con. Dẫu rằng con người đã không muốn mời Ta dự tiệc, nhưng Ta vẫn có một bữa tiệc riêng đặc biệt dành cho con, dành cho những ai tha thiết công lý và hoà bình, yêu mến sự công chính và nghèo hèn. Bữa tiệc vĩ đại đó con người không thể hình dung và Ta đã dọn sẵn.
      Hôm nay, Ta gởi đến nhiều thiệp mời và một thiệp mời dành riêng cho con. Ta muốn biết, nếu con khao khát đón nhận thiệp mời, Ta sẽ dọn phòng cho con và viết tên con với những dòng chữ vàng trong cuốn sổ đặt biệt dành cho khách mời. Chỉ có những người có tên trong danh sách đặc biệt này mới được vào dự tiệc.
     Những người không hồi đáp, nếu có đến, sẽ được mời ra ngoài. Hãy chuẩn bị bởi vì lúc mọi thứ đã sẵn sàng con sẽ dự phần trong bữa tiệc lớn đầy yêu thương của Ta (Mt 8:11).
      Hẹn gặp con sớm. Ta yêu con !
     Con hãy chia sẻ thông điệp này với bạn hữu nhân mùa Giáng Sinh.

      Giêsu

(Đình Vượng,  phỏng dịch - gpcantho.com)

SUY TƯ MỖI NGÀY

Cùng chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh trong gia đình



 
 


Xin giới thiệu đến các gia đình Công Giáo những gợi ý suy tư, lời nguyện và thực hành để cha mẹ và con cái cùng nhau chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh cách đặc biệt trong 9 ngày trước lễ Giáng Sinh. Mỗi ngày sẽ có một nhân vật của Giáng Sinh đồng hành với cả gia đình trong sự chuẩn bị này. 

    Ngày 16.12: Thiên Thần:
   «Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” » (Luca 2,9-14)
    Gợi ý suy niệm:
   Loan báo sự ra đời của một trẻ thơ đặc biệt: Giê-su! Thiên Thần bay lượn để loan báo cho toàn thế giới rằng Hài Nhi Giê-su đã sinh ra. Thiên Thần không thể giữ lại cho riêng mình niềm hạnh phúc đang dâng trào, ngài muốn cho mọi người được hiệp thông vào tin vui này. Làm sao lại có thể không loan báo cho mọi người niềm vui vĩ đại này?
Ngày hôm nay, cả chúng ta cũng làm như các Thiên Thần trong đêm Giáng Sinh, chúng ta hãy loan báo niềm vui Chúa Giáng Sinh cho mọi người trong gia đình, nơi trường học, tại chỗ làm và bất cứ ai chúng ta gặp trên đường.
    Lời nguyện:
    Lạy Chúa xin giúp chúng con nhận ra những ân huệ của Chúa và chia sẻ niềm vui của chúng con với những người khác. Amen.
    Thực hành:
   Hôm nay chúng ta tìm cách đánh giá cao những ân huệ và tài năng của những người trong gia đình và của các bạn mình. 

   Ngày 17.12: Đức Maria


    «Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dọi vua Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”. Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”» (Luca 1, 26-28. 31. 34-35ac. 38ab)
    Gợi ý suy niệm:
   Đức Maria là một thiếu nữ sống trong một ngôi làng nhỏ giữa đồi núi. Và Chúa đã chọn chính Đức Maria, một thôn nữ đơn sơ và khiêm tốn, để xin làm Mẹ của Ngài. Đức Maria biết rất rõ là nếu nhận lời thì cuộc sống của mình sẽ thay đổi hoàn toàn, nhưng Mẹ đã quyết định tin tưởng nơi Chúa và phó thác cho Ngài. Mẹ đã sống trong đức tin.
    Lời nguyện:
Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho mẹ của chúng con và tất cả những người mẹ trên thế giới biết tin tưởng nơi Chúa như Đức Maria. Amen.
     Thực hành:
    Chúng ta, những bậc cha mẹ, phó thác cho Thiên Chúa cuộc sống của chúng ta. Chúng ta, những người con, cố gắng thưa “vâng” trong ngày mỗi khi chúng ta được gọi. 

    Ngày 18.12: Thánh Giuse
   «Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.» (Mát-thêu 1,20-21.24)
    Gợi ý suy niệm:
    Giuse biết rằng Maria, hiền thê của mình, đang mang thai. Nhưng mình không phải là cha của đứa bé. Có lẽ Maria đã yêu một ai khác và Giuse rất đau khổ. Giuse đã có thể tức giận với Maria, nhưng Giuse yêu mến Maria và quyết định cư xử như người chính trực: để cho Maria trở về gia đình mà không làm nhục Maria trước mặt mọi người. Đang đêm, một thiên sứ hiện đến và báo cho Giuse biết rằng: có một điều phi thường đang xảy ra, đứa con trong lòng Maria không phải là đứa trẻ như bao đứa trẻ khác, nhưng là Đấng Cứu Thế, và Thiên Chúa xin Giuse đón nhận đứa trẻ đó như con của mình.
    Giuse đã làm đúng như thế, như một người cha tuyệt vời đã đặt sự sống của con cái mình trên hết tất cả những điều khác.
    Lời nguyện:
    Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho ba của chúng con và tất cả mọi người cha trên thế giới luôn là gương sáng để chúng con là con cái dõi theo. Amen.
    Thực hành:
    Chúng ta, những bậc cha mẹ, dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Chúng ta, những người con, nỗ lực sống chính trực và ngay thẳng ở trường học và trong các trò chơi, ngay cả khi phải trả giá và vất vả. 

    Ngày 19.12: Các mục đồng
«Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”» (Luca 2,8-12)
    Gợi ý suy niệm:
    Không ai muốn làm mục đồng: đó là một công việc cực khổ, suốt ngày dài phơi mình dưới nắng thiêu đốt và đêm lạnh phải ngủ ngoài trời. Người ta thường nghĩ các mục đồng là các tội phạm. Cuộc sống của họ nghèo khổ và cô đơn. Nhưng Thiên Chúa không quên họ, chính họ lại là những người đầu tiên mà Thiên Chúa gửi thiên sứ đến báo tin Hài Nhi Giê-su đã chào đời.
Giáng Sinh có  thể đối với nhiều người là lúc đau khổ nhiều, nhưng Đức Giê-su đến để mang ánh sáng cho cuộc sống của mọi người.
    Lời nguyện:
   Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho những người sống trong đau khổ và cô đơn trong dịp Giáng Sinh năm nay. Chúa đã đến để mang cho họ hy vọng, xin giúp chúng con nhớ đến những người đang đau khổ. Amen.
     Thực hành:
    Hôm nay, chúng ta nhớ đến những người đang sống trong cô đơn, chúng ta có thể gọi điện thoại cho họ. 


     Ngày 20.12: Hê-rô-đê
    «Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Khi vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống.» (Mát-thêu 2,1-3.16)
     Gợi ý suy niệm:
     Hê-rô-đê đã từng xoay sở với mưu gian để đạt đến ngôi vua. Ông đã hành động cách thâm độc, không nể mặt ai, và đã giết nhiều người. Không ai có thể lấy được ngai vàng của ông. Khi nghe các nhà chiêm tinh từ Phương Đông nói rằng có một vị vua mới sinh, lòng ông đầy sợ hãi và tức tối. Ông không biết rằng Giê-su là một vị vua rất khác, chẳng màng đến quyền lực hay những lâu đài xa hoa. Hê-rô-đê hoảng sợ và quyết định giết cả đối thủ mới này.
Ngày nay vẫn còn biết bao người nghĩ rằng Thiên Chúa là đối thủ của mình; họ không hiểu rằng, ngược lại, Thiên Chúa là đồng minh của mình.
     Lời nguyện:
     Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng ganh tị với người khác, xin cho chúng con không có những đối thủ mà chỉ có các bạn bè. Amen.
     Thực hành:
      Hôm nay chúng ta cố gắng không ganh tị với những người khác.
  
     Ngày 21.12: Các đạo sĩ
     «Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đương cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. » (Mát-thêu 2,9-11)
      Gợi ý suy niệm:
     Các đạo sĩ là những nhà chiêm tinh nghiên cứu các vì sao trên bầu trời. Vào một đêm, nhìn những ngôi sao, họ thấy rằng tại Israel có một vị vua mới sinh và họ lên đường tìm kiếm để bái lạy Người, mang theo vàng, nhũ hương và mộc dược.
Khi đến Giê-ru-sa-lem, họ nhận ra rằng vị vua mới sinh là một trẻ thơ ra đời trong hang bò lừa và hiểu rằng Thiên Chúa tỏ mình cho những ai thật sự tìm kiếm Ngài với lòng khiêm tốn.
      Lời nguyện:
     Lạy Chúa, xin làm cho cả chúng con cũng khiêm tốn và quảng đại đối với những người nghèo mà chúng con gặp trên đường đời. Amen.
      Thực hành:
      Hôm nay chúng ta đến thăm một người cần đến sự quan tâm của chúng ta. 


      Ngày 22.12: Con lừa và con bò
    «Ông Giuse từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.» (Luca 2, 4-7)
     Gợi ý suy niệm:
     Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, sinh ra trong một máng cỏ khiêm nhu. Không có chỗ trong nhà trọ nên Maria và Giuse tìm nơi trú ẩn trong một chuồng bò đơn sơ. Không có chăn nệm hay lò sưởi cho trẻ sơ sinh, mà chỉ có hơi ấm của một con lừa và một con bò.
      Được bao quanh bởi các phương tiện kỹ thuật tối tân, chúng ta thường quên rằng sự đơn sơ giản dị là nguồn của niềm vui thật.
      Lời nguyện:
     Lạy Chúa, xin giúp chúng con tái khám phá niềm vui trong sự đơn sơ giản dị. Amen.
      Thực hành:
      Hôm nay chúng ta, cả cha mẹ lẫn con cái, nỗ lực nghe tiếng những người xin chúng ta giúp đỡ, đặc biệt những ai xin chúng ta tiếp đón mà lại thấy cửa lòng chúng ta đang đóng kín. 

      Ngày 23.12: Ngôi sao
      «Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đương cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.» (Mát-thêu 2,9-10)
      Gợi ý suy niệm:
      Ngôi sao lớn, tỏa sáng cả một bầu trời. Chiếu sáng trong một đêm đặc biệt: đêm mà Đức Giê-su sinh ra! Thiên Chúa làm người, một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, trong một đêm lạnh. Trong biến cố vĩ đại này, ngôi sao ấy đã rực rỡ hơn bao giờ hết để báo tin cho mọi người, lớn cũng như nhỏ, giàu cũng như nghèo, rằng một điều tuyệt diệu vô cùng đã xảy ra.
      Cả chúng ta ngày hôm nay cũng có thể mang niềm vui đến cho những ai ở bên cạnh chúng ta và trao ban nụ cười của chúng ta cho những ai cần đến.
      Lời nguyện:
      Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành ngôi sao rực rỡ và ngời sáng, có khả năng chiếu tỏa bình an và niềm vui quanh chúng con. Amen.
      Thực hành:
      Tất cả gia đình chúng ta cùng nhau cầu nguyện với Chúa Giê-su để Ngài đồng hành với chúng ta trên bước đường chuẩn bị Giáng Sinh.


       Ngày 24.12: Hài Nhi Giê-su
      «Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. » (Luca 2, 1-20)
       Gợi ý suy niệm:
       Tạ ơn Chúa Giê-su đã sinh ra vì mỗi người chúng ta và đã đến sống giữa chúng ta. Như Đức Maria chúng ta muốn đón nhận Ngài mỗi ngày; như Thánh Giuse, chúng ta muốn sống trong sự công chính và ước mơ một thế giới mới; như các đạo sĩ, chúng ta tìm kiếm Chúa trong tất cả những gì chân thật và tốt đẹp; như các mục đồng, chúng ta đối diện với những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày; như thiên thần, chúng ta loan báo cho mọi người gần xa rằng Chúa đã sinh ra.
       Lời nguyện trước hang đá trong đêm Giáng Sinh
      Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin Chúa cư ngụ trong tâm hồn chúng con. Xin đong đầy ngày sống của chúng con bằng niềm vui của Chúa: niềm vui ngự trị nơi bàn ăn của gia đình chúng con và của tất cả mọi gia đình; bình an chữa lành những vết thương làm rướm máu nhiều tâm hồn và nhiều dân tộc; niềm vui lễ hội tô màu cho những ngày ảm đạm và những người cảm thấy cô đơn.
       Xin nuôi dưỡng đức tin của chúng con bằng Thần Khí của Chúa, để chúng con biết tin tưởng và phó thác cho Chúa cuộc sống của chúng con, của những người chúng con thương mến và của những người mà không ai quan tâm đến.
       Với lòng tin mạnh mẽ như đá tảng này, chúng con sẽ trở thành chứng ta cho tình yêu của Chúa: xin khơi dậy nơi tất cả những ai chúng con gặp gỡ ước muốn biết Chúa, yêu mến Chúa và sống thân tình với Chúa ngày một hơn. Amen.

Ban Mục vụ Gia đình của Giáo phận Reggio Calabria-Bova

Lời cầu chúc Giáng Sinh - 2012


   
   Giáng sinh lại về, mọi người đang nô nức trang hoàng nhà cửa để đón Chúa Hài Đồng. Trong giờ khắc linh thiêng, Pet Minh Chính Chúc mọi người thân yêu bên cạnh tôi một mùa Giáng sinh vui vẻ, may mắn và an lành.
   Chúc cho tất cả mọi người trên thế giới này luôn hạnh phúc, chúc cho những em nhỏ không có mái ấm gia đình ấm áp hơn, chúc cho những người già bách niên giai lão, chúc cho mọi điều luôn tốt đẹp nhất.
     Tôi nguyện cầu Chúa cho tôi gửi những điều cầu chúc tốt đẹp nhất đến bạn, người đã luôn bên tôi trong những lúc tôi cần một bờ vai để dựa, một bàn tay để nắm, và một trái tim để thấu hiểu và cảm thông... Cùng nhau đi hết mọi mùa Giáng Sinh nhé!
   Chúc mọi người một mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc.

Pet. Minh Chính.

Thiên Đàng ở đâu?




  Chuột túi hỏi Đấng tạo hóa:
  - “Xét cho cùng thì thiên đàng ở đâu?”
  - “Ở đây”.
  - “Ở đâu?”- Chuột túi nhìn chung quanh bốn phía, không hiểu nên hỏi lại: “Sao con nhìn không thấy?”
  Đấng tạo hóa dịu giọng trả lời:
  - “Bé con, nếu như trong lòng con có thiên đàng, thì không có chỗ nào là không thiên đàng. Nếu như trong lòng con không có thiên đàng, thì dù cho con có đặt mình trong thiên đàng thật, thì nhìn mà như không thấy vậy!”
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
      Có một tên cướp nổi tiếng là hung dữ, hắn không tin có Chúa, không tin có thiên đàng và hoả ngục, một ngày nọ, hắn mang theo thanh kiếm sắc nhọn của mình vào nhà xứ hỏi cha sở:
      - Thưa ngài, thiên đàng ở đâu và hoả ngục ở đâu?
      Vị linh mục già không nói gì cả, tiến đến tên cướp và đưa tay tát mạnh vào mặt hắn.
       Hắn tức giận nói: “Tại sao ngài đánh tôi?”, và rút gươm ra khỏi vỏ.
       Vị Linh mục điềm tĩnh và ôn tồn nói: “Hoả ngục ở trong ông đấy”.
        Ngài nói tiếp: “Khi ông tức giận thì đó chính là hoả ngục, và khi ông hiền hoà vui vẻ, thì đó là thiên đàng”.
 Thiên Chúa đã mang Thiên đàng đến tặng cho chúng ta bằng chính con của Người là Đức Kitô, và Đức Kitô đã mở của thiên đàng bằng chìa khoá thập tự, chìa khoá được chế tạo bằng tình yêu. Ngài ra hiến chương của thiên đàng bằng Bát Phúc (tám mối phúc thật), những cái phước chỉ dành ưu tiên cho những người khốn cùng, nghèo khổ. Luật pháp của Ngài chí có 4 chữ “Mến Chúa - Yêu Người”.
Khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, Đức Kitô sẽ đến phỏng vấn chúng ta, Ngài không hỏi anh làm nghề gì, làm Giám mục hay linh mục, tu sĩ…. Ngài cũng không hỏi một ngày đến nhà thờ đọc bao nhiêu kinh, dâng cúng bao nhiêu tiền vào nhà thờ, ăn chay bao nhiêu lần….. Mà Ngài chỉ hỏi chúng ta: khi tôi đói bạn có cho ăn, tôi khát bạn có cho uống, tôi rách rưới bạn có cho áo mặc, tôi bị cầm tù bạn có đến viếng thăm, tôi ốm đau bạn có ai ủi..… 
      Có nhà thần học nói rằng: “Trời mới và đất mới” không phải là Thiên Chúa sẽ dựng thêm một thế giới khác sau khi tận thế, mà chính là Ngài làm cho thế giới này mới hơn.
       Mới hơn, tức là thế giới này không có hận thù, không có ghen ghét, không có oán giận, tóm lại là không có hoả ngục.
       Mới hơn, tức là thế giới này trở thành thiên đàng, là nơi mà mọi người biết yêu thương nhau và tha thứ cho nhau. Muốn được như vậy, thì ngay bây giờ, mỗi người chúng ta lo kiến tạo thiên đàng ở trong tâm hồn của mình, tức là sống bác ái, yêu thương, tha thứ cho nhau, sống khiêm tốn với hết mọi người...
       Bởi vì: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa, và ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có Thiên đàng. Vậy thiên đàng không ở đâu xa lạ, mà ở ngay trong tâm hồn chúng ta, ở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, và thiên đàng ở ngay trong những người anh em của chúng ta. Tuỳ thuộc vào chính hành động, những suy tư và lối sống của chúng ta.
       Như Thánh Phanxicô Assisi dạy: “Xin cho con biết mến yêu, và phụng sự Chúa trong mọi người”…. và “Tìm an ủi người hơn được người ủi an, Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu…..”
     Chúng ta đang sống ở thiên đàng đấy thôi. Có điều anh và tôi có muốn đón nhận thiên đàng ngay trong cuộc sống này hay cứ chờ đợi một thiên đàng khác xa lạ mà chúng ta không nhìn thấy được.
      Đường vào thiên đàng nhiều chông gai lắm nhưng không phải là không vào được. Và cũng không phải đi tìm ở đâu cho xa lạ. Bạn và Tôi hãy tập cho mình có cái nhìn yêu thương và hành động bác ái, là chúng ta đã đem thiên đàng dâng tặng cho người khác, và chúng ta cũng đã tìm thấy THIÊN ĐÀNG cho chính mình.
Pet.

Của dâng cho Cha, của biếu cho Mẹ




   Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
  Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.
    Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
            Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
            Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.
   Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, để mẹ là xúc phạm đến Thượng Đế, kẻ tác tạo nên họ. (Huấn ca 3,3. 12-16).
     Tôi trình bày đoạn văn trên thành hai câu một, để chúng ta thấy tác giả viết như một bài thi ca, đối xứng ý và  lời. Hai câu đầu nói về con người: Ai yêu mến. Ai thảo kính.
AI YÊU MẾN THẢO KÍNH CHA MẸ
ĐỀN BÙ TỘI LỖI THU ĐƯỢC KHO TÀNG
Câu kế tiếp cắt nghĩa và căn dặn bổn phận làm con, cách cư xử với cha:
Hỡi kẻ làm con: Hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm: Con cũng hãy nể vì. Đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
Rồi lại đến lời thi ca. Hai câu này nói về của lễ: Của dâng. Của biếu.
CỦA DÂNG CỦA BIẾU CHO CHA CHO MẸ
KHÔNG RƠI VÀO QUÊN LÃNG XÂY DỰNG ĐỨC CÔNG CHÍNH
    Sau hai lời thi ca lại là câu cắt nghĩa:
   Vào ngày bĩ cực: Công việc con sẽ được nhớ đến, Như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, Khinh cha, dể mẹ Là xúc phạm đến Thượng Đế, Kẻ tác tạo nên họ.
    Đoạn văn viết chi tiết, phong phú về ý và ngôn từ. Đối xứng cách trình bày.
Yêu mến cha, tôi đền bù được tội lỗi.
Thảo kính mẹ, tôi thu được một kho tàng.
   Sau khi căn dặn cách đối xử, tác giả hứa những phần thưởng, và sau cùng là lời trừng phạt. Ai khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng  Đế.
   Trong đời sống, ta không dám khinh cha dể mẹ. Ta không nói lời lộng ngôn. Ta không xúc phạm đến Thượng Đế. Nhưng của lễ nào ta biếu cho mẹ, ta dâng cho cha?
    Thời gian có huyền nhiệm của thời gian. Có những tháng ngày tâm hồn ta chùng xuống vì thời gian đi quá lẹ, quá xa. Nhìn lại, bất chợt ta buâng khuâng tiếc nuối. Nếu cha tôi còn sống thì… Nếu mẹ tôi còn sống thì.......
   Tôi viết dòng này gởi người bạn trẻ.
   Ở lứa tuổi của tôi, ngày tháng không còn thong thả, không còn nhìn đời lững thững nữa. Cứ thường, người ta quý thời gian là khi người ta đã có vết thương về thời gian. Bạn còn trẻ, còn cha, còn mẹ. Tôi viết riêng cho bạn. Tôi mong bạn chưa bị thời gian để trong tâm hồn nỗi muộn màng, hối tiếc.
    Bố tôi bị stroke, tai biến mạch máu não tám năm nay. Tôi về thăm, bố không còn nhận ra tôi nữa. Ông cụ bại liệt nằm đó. Mẹ tôi phải săn sóc 24/24. Là linh mục với công việc mục vụ bận rộn ở đây. Tôi không biết ngày bố chết có về được không. Công việc giúp các khoá linh thao bắt tôi làm chương trình cả năm trước. Cộng đoàn đã lên chương trình cả năm, đến ngày tĩnh tâm, nếu bố chết, làm sao tôi từ chối, bỏ chương trình của họ mà về.
   Có về thì người chết cũng đã chết. Tôi không làm được gì. Bởi đó, tôi chuẩn bị tinh thần đó cho mẹ tôi. Nếu bố chết, mỗi em một phận sự lo tang lễ cho bố. Tôi nói với mẹ là tôi không về. Về cũng chẳng làm được gì. Nhiều lần tôi nói vậy. Mẹ tôi chỉ nghe. Mẹ biết tôi là linh mục, còn bao công việc chung. Mẹ im lặng.
   Đêm đó, tôi ngồi nhìn ánh đèn thành phố. Trên sân thượng của căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Sài Gòn.
   Ngày mai lên máy bay. Không biết ngày nào mới lại về thăm mẹ. Tôi nhớ đời sống của mẹ tôi. Tôi hình dung ngày đêm, những lúc vắng các cháu, mẹ tôi quanh quẩn bên cha tôi. Căn nhà có hai ông bà. Ông nằm đó không nói. Vắng tôi. Tôi phải lên Sài Gòn qua đêm để mai ra  phi trường. Đêm sau cùng. Tâm tư của một thời thanh niên yêu Sài Gòn, với những con đường và mưa đổ bất chợt. Tâm trạng của người quay về ôn kỷ niệm xưa mà sao Sài Gòn quá xa trong tâm thức. Tôi đang ngồi một mình trên sân thượng  thì bà chủ nhà đến.
   - Mai Cha đi xa rồi.
   Người đàn bà ngoài sáu mươi. Bà mới mất mẹ. Bà hỏi thăm gia đình tôi. Tình trạng bệnh tật của bố tôi. Bất chợt bà hỏi:
   - Có mệnh hệ nào, ông cố qua đời, Cha có về không?
   Câu hỏi này chính tôi đã chuẩn bị cho tôi từ lâu. Tôi cho bà biết tôi không về. Vì công việc mục vụ tôi không thu xếp được. Bà im lặng không nói. Cái im lặng giống mẹ tôi.
   Dưới đường xe cộ ồn ào. Sài Gòn vào mùa nóng, khí trời rất hanh, quá oi bức. Bụi đường và khói xe. Tôi ngồi trên sân thượng, nhìn phố xá, nhìn những con đường như lời chào của người sắp đi xa, tâm trạng không vui gì. Những khoảng trống thinh lặng. Không có câu chuyện nào tiếp nối giữa tôi và người đàn  bà đang để tang mẹ. Có lẽ tâm trạng bà cũng không vui. Tôi cắt nghĩa thêm cho bà về câu trả lời của tôi lúc nãy:
   - Tôi không về, vì về cũng chẳng làm gì được. Mọi cái tôi đã chuẩn bị.
    Im lặng. Vẫn cái im lặng trong tâm hồn của một người phụ nữ. Giống mẹ tôi. Sau cùng bà nói:
   - Cha cho phép con khuyên Cha một điều được không?
    Ngôn ngữ bà dùng ở đây rất đặc biệt. Bà nói bà muốn khuyên tôi. Tôi thưa bà là tôi sẵn sàng nghe.
    - Thưa Cha, con khuyên Cha, nếu ông cố chết, Cha phải về để tang. Cha là con trưởng trong gia đình. Không phải về thì cũng chẳng làm gì được, nhưng vì mẹ Cha. Cha về cho người sống chứ không phải cho người chết. Cha nói với mẹ Cha là ngày bố chết Cha không về. Cha có biết tấm lòng người mẹ thế nào không. Con vừa mất mẹ. Mất mẹ là cái tang lớn nhất. Năm nay đã ngoài sáu mươi. Mà ngày mẹ chết con vẫn thấy bơ vơ. Con cũng là mẹ, con có kinh nghiệm cả hai, kinh nghiệm của người con mất mẹ, và kinh nghiệm của người làm mẹ. Cha nói Cha không về. Mẹ Cha kính trọng nhiệm vụ của người con linh mục. Nhưng mẹ Cha sẽ buồn. Lời nói của Cha làm mẹ Cha nghĩ rồi đến ngày bà chết, Cha cũng không về. Người mẹ nào không thương con, muốn gần con. Cha có biết Cha nói thế, mẹ Cha đang sống những ngày nghĩ đến cái chết của ông cố, Cha không về, cái chết của mình, Cha cũng không về. Nó buồn lắm. Con là người mẹ con biết tâm hồn những bà mẹ. Cha phải về để thọ tang.
   Trời lúc đó mấy giờ khuya rồi, tôi không rõ. Bà nói tới đó rồi im. Dưới đường xe cộ vẫn ồn ào náo nhiệt. Trên sân thượng tôi im lặng. Phố xá dưới kia không hồn.
   Tôi không ngờ trong lối suy nghĩ của tôi từ trước đến nay quá nhiều lý trí. Bấy giờ tôi mới thấy cái im lặng của mẹ tôi khi tôi căn dặn các em phải làm gì khi bố chết. Bấy giờ tôi mới hiểu cái thinh lặng của mẹ tôi khi tôi an ủi bà là tôi không về. Một sự im lặng tôi thấy đau trong tim. Người đàn bà khuyên tôi, ấp úng, nước mắt lưng tròng. Tôi cũng đưa tay dúi mắt. Tôi thương mẹ tôi quá đỗi. Tôi muốn nói với bà. Mẹ ơi, con sẽ về.....
      
     Này người bạn trẻ còn cha mẹ.
    Kinh nghiệm chỉ mua bằng thời gian. Mà trẻ thì làm gì có nhiều thời gian để mua. Tôi gởi bạn những dòng này không như lời khuyên luân lý, giáo điều. Tôi muốn gởi bạn như tâm tình mà có quý bạn tôi mới viết. Tôi cám ơn người đàn bà đã khuyên tôi. Thời gian có thể làm hồn ta hạnh phúc hay mang thương tích. Chớ gì chúng ta biết lắng nghe sự huyền nhiệm của thời gian.
   Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe những người chung quanh nhiều lắm. Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống?
    Nhiều khi mẹ nói bằng im lặng của lòng mẹ.

Tác giả: Nguyễn Tầm Thường, sj.
(Đoạn khúc 99: Của dâng cho Cha, của biếu cho Mẹ)
Pet. Minh Chính (trong những ngày tưởng niệm 15 năm giỗ Bố)