Hạt giống tâm hồn

Đợi chờ yêu thương trên cây Thánh giá - Đợi xóa sân si dưới bóng Bồ đề
MrCosVn's Blog
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Suy tư mỗi ngày. Hiển thị tất cả bài đăng

Đã biết vô thường….



Ns Trịnh Công Sơn
      Sang nay ngồi nhâm nhi café cùng với người bạn, để tìm chút yên tĩnh cho lòng lắng lại. Trong không gian trầm lắng của quán, chúng tôi lặng người suy tư khi nghe ca sỹ Hồng Nhung hát ca khúc “Đóa hoa vô thường” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi rất thích nghe nhạc Trịnh, tôi không thể nhớ được là mình yêu nhạc Trịnh từ lúc nào, và thường hay đến quán café này để nghe. Ca khúc “Đóa hoa vô thường” là một trong những ca khúc tôi thích nhất.
“Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
………
Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường ... “
(Đóa hoa vô thường)
       Bất giác người bạn hỏi tôi rằng, tại sao trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn lại có nhiều ca từ về “Chết” như thế. Tôi nghĩ rằng, với Trịnh Công Sơn “Sinh, lão, bệnh, tử” cũng chỉ là “vô thường” đến và đi của một kiếp người, nên từ “chết” luôn đi vào lời ca của Trịnh. Với “Đóa hoa vô thường” Trịnh Công Sơn kể về một tình sử triết lý của chữ “Ái” và “Tâm”. Tình do tâm ta mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn động vọng, đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi, kết thúc một đời rong chơi. Trịnh Công Sơn xem cuộc sống này như “vô thường”, vì thế từ “chết” xuất hiện rất nhiều trong các ca khúc của ông:    

Lễ Thánh bộn mạng



      Ngày 29 tháng 6 hàng năm, Giáo hội Công giáo hoàn vũ kính trọng lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, cách riêng Thánh Phêrô là Thánh quan thầy bộn mạng của Pet.MinhChinh. Trong tâm tình ngày lễ bộn mạng, xin chia sẻ những suy tư về vị thánh quan thầy của mình để mọi người (dù không theo đạo Công giáo) hiểu thêm chút ít về một vị thánh – vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
      Thánh Phêrô và Phaolô là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội. Trong Bài ca nhập lễ vang lên hùng tráng: Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng, ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng”.
       Cuộc đời Phêrô có nhiều gian truân và phức tạp, vì ông là một ngư dân làm nghề chài lưới, ít học nhưng lại được Chúa chọn và nâng lên thành hòn đá tảng để Ngài xây hội thánh của Ngài trên đó, dù là chối Chúa 3 lần. Ta có thể chia đời ông ra làm hai: cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma. 

HÃY MỞ LÒNG… (cô đơn 2)



   Có những nỗi cô đơn cách biệt, ngưng đọng, bế tắc, đớn đau, nghe như tâm hồn lịm chết giữa vực sâu cuộc đời, nhưng cũng có những nỗi cô đơn gần gũi, ngọt ngào, dù có “xa mặt nhưng không cách lòng”. Có những nỗi cô đơn thụ động, đành phải chịu vậy, nhưng cũng có những nỗi cô đơn chủ động vì ta muốn tạo một khoảng cách cần thiết cho đời mình. Có khi cô đơn như niềm đau tê tái cần phải loại trừ, nhưng có lúc cô đơn như chén đắng cần phải uống cạn, để có thể chữa lành một vết thương tâm hồn.
      Một người bình thường sẽ chấp nhận những nỗi cô đơn như một thứ gia vị cho cuộc sống, chứ không phải một thứ thuốc độc cần lảng tránh. Nếu biết cách chuyển hóa và thăng hoa cuộc sống mình, thì cô đơn cũng là một thứ cảm xúc thú vị cần trải nghiệm, một khoảng lặng thinh cần thiết cho đời sống nội tâm. Đôi khi, cùng với nỗi buồn, cô đơn là một chất xúc tác tạo nên những điều tốt đẹp và vĩ đại cho cuộc sống.

CÔ ĐƠN (1)



    Cô đơn là gì? Đây là một câu hỏi làm đau đáu biết bao người, nó cứ mênh mang như một vực thẳm trong lòng người, nhưng cũng có muôn vàn cách hiểu khác nhau về cô đơn và có nhiều loại cô đơn trong lòng mỗi người.
    Có nhiều học giả đưa ra nhiều định nghĩa về cô đơn, nhưng có thể chung quy lại như sau: “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng”.
      Cô đơn không phải là cách biệt bên ngoài, nhưng là cách biệt trong chính lòng người. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn nữa. Người ta có thể cô đơn vì không đến được với người khác, và vì người khác không muốn đến với mình. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả nên mới xót xa khôn tả và cay đắng khôn vơi.

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT.... Alleluia!



  "Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,1-9)
     Lạy Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng thánh Gioan kể lại cho chúng con câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô. Qua câu chuyện, chúng con thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Trong cuộc hành trình đức tin hôm nay, chúng con cùng tìm Chúa, chúng con có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng con có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng con noi gương Gioan, để cho lòng trí chúng con luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa. 

SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN THÁNH




  Thứ Sáu Tuần Thánh đối với chúng ta là một ngày thánh thiêng, một ngày trọng thể, để kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, với những đau khổ, những tủi nhục, những tang thương của sự thương khó. Hội Thánh kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu và sự sống lại của Ngài. “Đức Kitô phải chịu thương khó đã để vào trong vinh quang” (Lc 24, 26). Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau.

     Chúa Giêsu chết trên giá, cái chết của Ngài không phải là sự tang tóc theo kiểu suy nghĩ của người đời, Ngài chết theo ý Chúa Cha, Ngài chết để cứu độ con người, cứu chuộc loài người. Cái chết của Ngài có mục đích, có ý nghĩa thẳm sâu. Chúa chết vì yêu thương con người bởi nơi Thập giá chứa chan ơn cứu chuộc. Chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Vinh quang sống lại khải hoàn qua đức tin của chúng ta.

     Chúa Giêsu bị kết án tử hình:
     Tin Mừng theo Thánh Máccô 15,12-13. 15: “Ông Philatô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Dothái?” Họ la lên: “Ðóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Ðức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá”.

YÊU CHO ĐẾN CÙNG (Suy niệm thứ 5 tuần thánh)

    "Ngài đã yêu thương họ
    Và Ngài yêu thương họ đến cùng....."
    Yêu và được yêu là khát vọng của mỗi người. Và con người luôn mải miết kiếm tìm cho mình câu trả lời về tình yêu: Tình yêu là gì? Nhưng giờ đây con người không phải khắc khoải đi tìm nữa, bởi nơi Đức Giêsu là câu trả lời thoả đáng về tình yêu. Và Ngôi lời đến thế gian để loan báo cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa với con người và Thánh Gioan đã khẳng định Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu là mối dây liên kết giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, qua đó giúp cho mối liên kết được bền chặt trong yêu thương.

     Thánh lễ chiều nay tưởng niệm lại việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ. Rõ ràng trong thánh lễ này, chúng ta nhận ra tình thương cao vời của Chúa đối với nhân loại, đối với con người và đối với mỗi người. Để diễn tả tình thương vô biên đó, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Thịt và Máu của Người để nuôi sống chúng ta.
      "Yêu cho đến cùng" không phải chỉ có nghĩa là yêu cho đến giây phút cuối cùng mà còn có nghĩa là yêu hết mình. Đức Giêsu đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ tình yêu của Người và của Cha Người cho chúng ta như thế.

SẮC MÀU ĐEN TRẮNG (Suy niệm Tuần Thánh)



Ai cũng bảo tình yêu tươi đẹp ngọt ngào và luôn óng ánh sắc hồng hạnh phúc. Thế nhưng, tình yêu cũng có nhiều cung bậc, đa chiều và lắm sắc màu.
    Tình yêu vốn mang màu trắng tinh tuyền, thanh khiết, yên bình, không vướng bận, không nghĩ suy, không tính toán, chân thành, hết lòng và sống thật tâm.
    Thế nhưng, con người đã làm cho tình yêu bị vẫn đục, méo mó, thô thiển, bởi những màu đen ích kỷ, nhỏ nhen, lợi dụng và dung tục.
     Trong tuần thánh, tin mừng Thánh Gioan giới thiệu hai nhân vật tiêu biểu trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: một bên là sự sáng thế gian – Đức Giêsu Kitô, và bên kia là Giuđa, hiện thân của bóng tối. Tại vườn Cây Dầu “Sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được ánh sáng” (Ga 1,5).

      Sắc đen sự dữ.
     Trong bộ phim 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, nhà đạo diễn đã hoạ lại hình ảnh của đêm tối vườn Cây Dầu. Đó là đêm tối của đức tin và cũng là đêm tối của lòng người.
     Bộ phim bắt đầu với cảnh Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi cầu nguyện vào một đêm đen như bao đêm khác. Thế nhưng, đêm nay khác hẳn mọi đêm. Bóng tối của sự dữ phủ kín, bóng đêm của quyền lực Satan bao trùm. Đêm nay, bóng tối của sự dữ hoành hành. Đêm nay, quyền lực của Satan như muốn thống lãnh thế gian. Con người đã đồng lõa với Satan để giết hại Con Thiên Chúa. Đêm tối vườn Cây Dầu chỉ còn lại một mình Chúa cô đơn, hiu quạnh.

ĐÓN TIẾP




Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá (năm C), chúng ta thấy rằng bước là đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn cho lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. Nếu kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Kitô thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

    Tin Mừng hôm nay trình bày Đức Giêsu được dân Do thái đón tiếp vào thành Giêrusalem như một vị Anh hùng, như một vị vua. Tại sao Ngài lại được đón tiếp như thế? Phải chăng Ngài là người sẽ mang lại cho họ tự do và hạnh phúc? Điều gì họ đang mong ước và trông đợi? Nêu ra những vấn nạn đó để mỗi người chúng ta rút ra cho chính bản thân bài học từ nơi Đức Giêsu. Ngài đã được dân chúng tiếp đón vào thành và cũng chính Ngài đang tiến vào thành để đón tiếp, đón nhận cuộc khổ nạn. Dẫu Ngài đã biết trước.

Vị đắng của Tình yêu



    Sáng nay, người bạn mời đi uống café, trong không gian yên lặng của ban mai, ngồi nhâm nhi một tách café và nghe nhạc phẩm “Hãy yêu nhau” đi của Trịnh Công Sơn, rồi ngẫm nghĩ sự đời. Giọt đắng của cafe trộn với vị ngọt của đường khiến lòng mang mang nghĩ đến cuộc sống và tình yêu.
   Ly cafe màu đen, uống vào cảm nhận được vị đắng, nhưng khi ngửi sẽ thấy hương vị thơm ngon quyến rũ. Cho một chút đường hoặc sữa vào, làm hòa tan nó với cafe, đưa lên miệng thưởng thức ta sẽ thấy giữa vị đắng ấy có vị ngọt ngào khó quên. Tình yêu cũng thế, giống như tách café, có hương vị ngọt ngào của hạnh phúc những cũng có cay đắng và khổ đau. Nhìn lại riêng cuộc đời của mỗi người, ta sẽ thấy cuộc sống không hẳn chỉ là niềm vui mà còn đầy nỗi buồn, đầy thương đau.

Sống cần có một tấm lòng.....



“Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi…!”

   
Là lời bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe rất đơn sơ mà lại là nền tảng cho mọi triết lý về cuộc sống. Thiếu đi tấm lòng, cuộc sống này sẽ trở nên cằn cỗi, vô vọng, như cây xanh thiếu mặt trời, như con người thiếu dưỡng khí. Cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã rất sâu sắc khi viết “Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” ở đây là lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người, lòng vị tha, cao thượng, nhân ái,…hay đơn thuần chỉ là những cử chỉ đẹp mà hằng ngày ta vẫn làm mà không hề đòi hỏi phải báo đáp.
     Sáng nay, tôi đã sửa chiếc xe đạp bị trật xích cho một bạn mà tôi không quen và tôi cũng chẳng cần hỏi tên để có ngày được giúp đỡ lại, vì tôi biết rằng “tấm lòng” cần để “gió cuốn đi”… Không phải quyên góp bạc triệu hay những thứ có giá trị mới thể hiện sự yêu thương, tình yêu thương đôi khi chỉ là cái nắm chặt tay khi ta cần có nhau, hay một nắm cơm khi đói lòng,…và còn có rất nhiều cử chỉ đẹp trong cuộc sống thể hiện tình yêu, tấm lòng. Những của cử chỉ ấy xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim.

CUỐI NĂM TÍNH SỔ



   Những ngày cuối năm thường là dịp để người ta quyết toán sổ sách chi thu, nhìn lại một năm qua và đưa ra phương sách cho năm tới. Công ty làm ăn lời hay lỗ? Như nhà kinh doanh tính sổ cuối năm, tôi cũng tính sổ đời tôi để khỏi thua lỗ trước mặt Chúa và anh chị em mình. Tôi sống như thế nào với Chúa? Tương quan của tôi đối với tha nhân? Tôi đã thu tích được gì? Tiến hay lùi về mặt tri thức cũng như đạo đức? Tôi đã dùng thời giờ, ân sủng, tài năng, tiền bạc, vật chất mà Chúa tặng ban như thế nào?
    Dừng lại một vài giây phút để kiểm điểm đời mình trong năm qua, quả thực, số vốn mà tôi lãnh nhận rất lớn, nhưng lắm khi lại sử dụng không đúng, chưa phát huy được vốn lẫn lời và thậm chí còn đem chôn giấu những nén bạc mà Ông Chủ trao ban. Trầm lắng mà suy xét thì đời mình sống vô ơn và bất xứng nhiều quá…

Ngày hôm nay là hồng ân



  
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
 Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
 
    Sau một đêm chìm trong giấc ngủ, ta tỉnh giấc biết mình đã thức, cũng đồng nghĩa biết mình còn hiện hữu, cảm ơn đời cho mình ngày mới. Thật sung sướng vì mình còn sống, được hưởng muôn vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên. Khoảng khắc đó chính là giây phút hạnh phúc nhất. Nhưng bạn có tự hỏi mình rằng: Ta sẽ làm gì cho một ngày sống quý giá của mình? 

Thời gian và tình yêu



     Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu.

    Tình yêu cần thời gian để kiến tạo hạnh phúc. Như thế sống là để yêu và yêu là để sống. Tình yêu cho cuộc sống màu xanh. Thời gian luôn đong đầy hạnh phúc. Vì thế phải yêu cho thật tình đừng dối gian nhau. Yêu cho thật nhiều không hề toan tính.
  
   Năm 2012 dần trôi qua những khoảnh khắc cuối cùng. Ngày 01.01.2013 là thời gian khởi đầu một năm mới. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần… cứ lặp đi lặp lại trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại.
    Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại. Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

TÌNH XUÂN

  Đọc bài viết Tình Xuân của  Joseph Trần gợi lên nhiều cảm xúc, nhất là trong những ngày cuối năm Âm lịch và chúng ta đang chào đớn Năm mới Quý Tỵ, nên xin phép tác giả cho đăng lại trên blog Pet Minh Chính để mọi người cùng đọc và suy ngẫm.


Tiết đông giá lạnh đã qua,
mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
Sơn hà nở rộ hoa tươi
và mùa ca hát vang trời về đây (Dc 2, 11-12).
   Thế là một mùa xuân nữa lại về. Đối với người Việt Nam, mùa xuân có nhiều ý nghĩa: Mùa xuân khởi đầu một năm mới với những điều mới. Mùa xuân là mùa đoàn tụ, để rồi: dù đi Trung ra Bắc vô Nam, ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình. Mùa xuân mang bình an đến cho mỗi người qua lời chúc may lành. Mùa xuân nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Mùa xuân mang đến tình thương, tình thương Thiên Chúa tuôn đổ trên quê hương đất nước, trên gia đình và trên từng người, tình thương của cha mẹ dành cho con cái; tình thương của mỗi người dành cho người thân yêu, của bạn bè dành cho nhau. Quả thật, mùa xuân là mùa của tình thương.

Đôi điều suy nghĩ sau những vụ án ly hôn



    Hạnh phúc của gia đình mà căn bản thiết yếu nhất là tình tương thân tương ái của hai vợ chồng, “tương kính như tân”. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó. 

    Thời hiện đại, ly hôn đã dễ dàng chứ chẳng khó như xưa. Nhưng, những gì còn lại sau những vụ “đường ai nấy đi” đó mới là điều đáng nói, vì trong nhiều trường hợp nó đã trở thành thảm kịch.

Một chút suy tư từ một vụ án



    Tôi đã chứng kiến biết bao vụ trọng án, bi kịch thương tâm. Trong đó đáng nói nhất là những vụ trọng án xảy ra trong nội bộ gia đình như hai anh em ruột giết nhau chỉ vì thù vặt hay tranh chấp gia sản, đất đai, mẹ đẻ ép con gái ngủ với bố dượng để chiều chồng, con cái đánh đập cha mẹ, chồng đánh vợ..… Nhiều lúc tự hỏi có ai nào đó đã tạm ngồi thống kê bao nhiêu vụ bạo hành do các thành viên trong gia đình dành cho nhau? Bao nhiêu vụ chồng giết vợ, vợ giết chồng chỉ vì những bất đồng nhỏ trong cuộc sống?

Dùng thời gian



   
Biết dành thời giờ để làm việc,
đó là chìa khoá của sự thành công.
   Biết dành thời giờ để suy tư,
đó là suối nguồn của sức mạnh.
   Biết dành thời giờ để thư giản,
đó là bí quyết của sự tươi trẻ.

   Biết dành thời giờ để sống,
đó là nền tảng của sự khôn ngoan.
   Biết dành thời giờ để vui cười,
đó là khúc nhạc của tâm hồn.
   Biết dành thời giờ để trở nên dễ thương,
đó là con đường của hạnh phúc.
   Biết dành thời giờ để quan tâm người khác,
đó là phương thuốc của tính ích kỷ.
   Biết dành thời giờ để cầu nguyện,
đó là con đường trực tiếp dẫn đến Thiên Chúa.

Nguyên văn: Prends le temps
Tác giả: Vô Danh
Bản dịch Việt ngữ: Lm Phạm Quang Long

Tâm Tình Ngày Lễ Thánh Gia



    Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
    Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

    Khi niềm vui Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần vẫn còn bởi những dây đèn quanh nhà thờ vẫn thắp sáng. Giáo hội đã lấy ngày 30-12 làm này Kỉ niệm Thánh Gia Thất. Thật ý nghĩa, vì hầu hết hang đá đều đặt tượng cả ba Đấng: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse; Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn lớn lên trong một gia đình, cũng là lúc thuận tiện để các gia đình tổng kết cuối năm, chuẩn bị đón mùa xuân mới với một tuổi mới.
    Trong cuộc sống vợ chồng, hai con người ở hai môi trường khác nhau về chung sống chỉ vì "duyên nợ" sao tránh khỏi những lúc vì cái "tôi bản thân " quá lớn, hoặc do thiếu sự thấu hiểu nhau mà "cơm không lành, canh không ngọt". Thế nhưng, lời thề toát lên từ miệng lưỡi "yêu nhau đến trọn đời" trước Thiên Chúa, như là dấu mộc đã đóng vào tim mỗi người. Cũng thật chuẩn xác khi phép hôn phối có nghi thức trao nhẫn. "Nhẫn" để mỗi người khi kết hôn biết nhẫn nhịn nhau để gia đình trên thuận dưới hòa.
     Kết hôn rồi sinh con, nuôi dạy con thế nào cho tốt. Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ ngày càng rộng mở. Đàn ông không như xưa "sáng vác cuốc đi, tối vác về" mà còn phải có bao mối quan hệ xã giao, làm ăn nên có đôi khi làm người phối ngẫu phiền lòng. Cũng vậy, người phụ nữ ngày nay đâu chỉ biết mỗi việc bếp núc, mà còn ra ngoài làm việc xã hội bên cạnh việc nuôi dạy con cái, nên lắm khi cũng thật sự quá  tải. Thế cho nên nhiều lúc trong chúng ta muốn buông xuôi… Càng thấm thía câu "xây thì dễ, giữ được mới khó"
     Tỷ lệ ly hôn hằng năm ngày càng cao. Vì sao vậy ? Vì phụ nữ ngày nay mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn ở tất cả mọi phương diện. Thế nhưng điều gì nó cũng có hai mặt: Mạnh mẽ để cái "tôi" của mình phát triển quá cũng không hay. Suốt cuộc đời cứ "xé nháp làm lại" sao, hay sẽ chọn cuộc sống độc thân. Người Phụ nữ bước vào cuộc sống hôn nhân cần lắm thay câu "giữ lửa" và cần lắm thay người đồng hành "Giữ lửa" trong gia đình là các ông.
    Xin thiên chúa người kết hợp cho chúng con. Đức Maria,Thánh cả Giuse cầu bầu cho chúng con. Để chúng con hằng năm nhìn lại, thấy gia đình mình xứng đáng là "Gia đình Thánh Gia". Amen.

Nguồn: http://gxdaminh.net

LỜI CẦU NGUYỆN TẠ ƠN



    Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường dâng lời tạ ơn với Đức Chúa Cha trước khi làm việc gì:  khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 15:36), trong bữa tiệc ly (Mt 26:27), cho La-da-rô sống lại từ cõi chết (Ga 11:41)…  Nhân Mùa Tạ Ơn đến, con cũng muốn bắt chước Chúa để bập bẹ những lời tạ ơn, những lời tạ ơn khó nói nhất của kiếp nhân sinh!  Có những lời tạ ơn thật dễ để nói với nhau và với Chúa.  Nhưng cũng có những lời tạ ơn không thể thốt thành lời nếu không có ơn Chúa.  Phải đợi khi linh hồn con được nuôi dưỡng bằng bao nhiêu ân sủng từ trời cao, đợi khi con đi gần đến hoàng hôn của đời người, thì con mới đủ can đảm nói lên những lời tạ ơn muộn màng này.  Tạ ơn ai?  Tạ ơn hay hờn giận?  Cám ơn hay trách móc?  Tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh cuộc đời và những người một thời đã làm con đau khổ.  Khó quá Chúa ơi!  Đôi khi lời được thốt ra trong dòng nước mắt không biết của hờn giận hay của tha thứ.  Đôi khi lời được bập bẹ ở đầu môi, những nghẹn ngào tức tưởi ngăn cho lời không tròn chữ.  Đôi khi lời được bật lên qua con tim rướm máu của vết thương năm xưa chưa lành hẳn.  Dù thật khó để nói, dù ê a tập tành từng chữ như trẻ nhỏ học nói, nhưng Chúa ơi, con sẽ cố gắng để nói…
    Cám ơn những người bạn đã phản bội tôi năm nào.  Đau khi bị phản bội!  Nhưng Người đã dạy cho tôi hiểu bài học về tình bạn chân thật là “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)
    Cám ơn người yêu đã phụ tình tôi năm xưa.  Hận khi bị phụ rẫy!  Nhưng Người đã dạy tôi biết trân quý tình yêu của Người đã dám “yêu thương đến cùng!” (Ga 13:1)
     Cám ơn kẻ thù, những người đã bắn gục tôi trên chiến trường năm nào, đã đẩy tôi lao đao khốn khó trong chốn lao tù năm xưa.  Người đã vô tình tạo cơ hội cho gia đình tôi giờ đây được bình an định cư nơi thiên đường của trần thế, đã cho tôi cơ hội để sống câu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)
    Cám ơn những đứa con hoang đã làm cõi lòng mẹ cha tan nát.  Thất vọng, buồn tủi ngập tràn con ơi!  Nhưng con đã cho cha mẹ cơ hội để nên thánh.
     Cám ơn những bậc cha mẹ bất hảo đã không yêu thương và dạy dỗ con cái mình như bổn phận đáng phải làm.  Cay đắng khi bị hất hủi mẹ cha ơi!  Nhưng Người đã làm cho trái tim con luôn khát khao tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa Tình Yêu.
     Cám ơn những vấp ngã của tuổi thanh xuân.  Ngươi đã làm cho ta biết khiêm nhường hơn.
     Cám ơn những tội lỗi mà phận người yếu đuối vấp đi phạm lại nhiều lần trong đời.  Ngươi đã cho ta cơ hội cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.  Ôi, tội hồng phúc!
     Cám ơn những quyết định sai lầm thưở nào đưa đến hoàn cảnh ngang trái hôm nay.  Ngươi đã dạy ta biết phấn đấu vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời.
     Cám ơn hai chữ “kiếp nghèo” gắn liền với số phận hẩm hiu.  Đôi lúc ta ghét ngươi nhưng ngươi đã làm cho ta dễ dàng tiến vào Nước Trời hơn.  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)
     Cám ơn những lần thất nghiệp cay đắng, những lần phá sản, bị lừa gạt, mất nhà, thua stock trắng tay.  Ngươi đã dạy cho ta hiểu nghĩa của cải phù du ở đời này.  “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1:2).
      Cám ơn những lần thất bại ê chề nhục nhã.  Biết bao bài học ta đã học được từ nơi ngươi.
      Cám ơn căn bịnh hiểm nghèo mà ta đang mang.  Nhờ ngươi mà linh hồn ta thức tỉnh phận người mỏng dòn chóng qua.  Ngươi đã giúp ta biết yêu quý những giây phút ít ỏi còn sót lại trên cõi đời tạm này.
     Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã lấy đi!
      Tạ ơn Chúa vì những trái đắng Ngài đã trao ban, dù con không muốn nhận.
      Tạ ơn Chúa vì số vốn quá ít ỏi Ngài cho con khi gởi con đến trong cuộc đời này!  Vì “ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.” (Lc 12:48)
      Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã thẳng tay thanh tẩy, gọt dũa linh hồn con mặc cho con dẫy dụa đau đớn.
      Tạ ơn Chúa vì tấm thân mệt mỏi bịnh hoạn, những lo toan vất vả trong cuộc sống khiến con không còn sức để bon chen hận thù ghen ghét. 
      Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã cương quyết không cho con những cái mà con xin, những thứ con cần, những gì con đang mong đợi, vì chỉ có Ngài mới biết những gì là cần thiết cho linh hồn và ơn cứu rỗi của con
      Tạ ơn Chúa vì những cái chết oan nghiệt, sự ra đi vội vàng của người thân khi tuổi đời còn quá trẻ.  Con biết Ngài muốn nhắc con nhớ rằng“đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm đuợc mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!” (Tv 39:5).
      Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng mà Ngài đang dạy dỗ con.  Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa.  Có những lúc con muốn thét lên “tại sao là con?”, “tại sao lúc nào cũng lại là con?”.   Nhưng con biết rằng chỉ những ai được Người thương yêu thì Người mới sửa phạt vì “Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu qúy.” (Cn 3:12)
      Lạy Chúa, đường đời trước mắt còn giăng đầy chông gai, có bao nhiêu nghịch cảnh thì có bấy nhiêu “Lời Tạ Ơn Khó Nói”.  Có những cái con chưa nhìn ra hết, có những điều con chưa cảm nhận được và có những lời chưa thể thốt nên lúc này.  Xin ban cho con sức mạnh của Ngôi Lời Nhập Thể để con có thể tiếp tục cám ơn anh em mình - dù là kẻ thù - và dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh - dù là ngang trái.  Tạ ơn không chỉ trong ngày lễ Tạ Ơn mà là tạ ơn Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời con.  Amen!


     Nguồn: suyniemhangngay.org